Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhuyễn thể có vỏ tăng 43%, đạt 125 triệu USD.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam tiếp tục tăng trong tháng 8/2024. Tính lũy kế 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm này tăng 43%, đạt 125 triệu USD. Xuất khẩu các mặt hàng chính như nghêu, hàu, ốc và sò điệp đều tăng mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể, 8 tháng đầu năm, nghêu là sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong các sản phẩm nhuyễn thể có vỏ với 65 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ. Các mặt hàng khác như ốc và sò điệp lần lượt đạt 26 và 19 triệu USD, tăng trưởng đột biến 3 chữ số 137% và 109%. Hàu cũng là mặt hàng được nhiều nước thu mua, đạt 10 triệu USD, tăng 26%.
EU là thị trường xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng, đạt 48 triệu USD, tăng 2%.
Xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam tiếp tục tăng trong tháng 8. Ảnh: Lê Thủy |
Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) là thị trường xuất khẩu đứng thứ 2, gây chú ý khi đạt 31 triệu USD, tăng mạnh tới 361% so với cùng kỳ. Đây cũng là thị trường đẩy mạnh nhập khẩu nghêu, ốc Việt Nam trong những tháng qua.
Đối với ốc, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là ốc bươu, ốc hương đông lạnh, ngoài ra còn có ốc len, ốc giác và các loại thịt ốc. Người Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng ốc hương vì có thịt dai, giòn, ngọt và trữ tươi sống được lâu.
Các thị trường xếp sau lần lượt là Tây Ban Nha (17 triệu USD), Mỹ (15 triệu USD), Italy (14 triệu USD).
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia có ngành thủy sản phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi trồng và xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ như nghêu, hàu, ốc, và sò điệp. Các sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa mà còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, và châu Âu.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đang có trên 41.500 ha nuôi nhuyễn thể (chủ yếu là nhuyễn thể hai mảnh vỏ) với sản lượng khoảng 265.000 tấn/năm; trong đó, nghêu đạt 179.000 tấn/năm. Chuỗi giá trị ngành hàng này đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động.
Tại các tỉnh khu vực phía Nam, nhuyễn thể có vỏ tập trung ở các địa phương có biển như Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang.
Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết năm nay bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, nên sản lượng nhuyễn thể có vỏ, đặc biệt là sản phẩm nghêu dự báo giảm mạnh.
Nguồn: congthuong.vn