Ngành du lịch Việt Nam chuẩn bị bước vào cao điểm đón khách du lịch quốc tế, vì thế nhiều địa phương, doanh nghiệp đang khẩn trương vực dậy sau bão số 3.
Sớm đưa du lịch hoạt động trở lại bình thường
Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch của nhiều địa phương vốn là trung tâm du lịch của cả nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai. Tại Lào Cai, theo Sở Du lịch Lào Cai cho hay, tổng thiệt hại trực tiếp đối với ngành du lịch, thống kê sơ bộ ban đầu khoảng 15 tỷ đồng. Doanh thu của các đơn vị du lịch trong tháng 9, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2023.
Các doanh nghiệp bắt đầu đón khách du lịch quốc tế sau bão số 3. Ảnh: Lux Group |
Huyện Cát Hải nói chung và ngành du lịch Cát Bà, Hải Phòng cũng thiệt hại lớn do bão số 3. Thống kê chưa đầy đủ (đến ngày 14/9), thiệt hại trên địa bàn huyện Cát Hải trên 678 tỷ đồng cả về nhà ở, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, nông nghiệp, du lịch, giao thông, thủy lợi, thông tin liên lạc,… Trong đó, nhiều tàu cá và tàu du lịch bị đắm, trong đó có 3 tàu du lịch nghỉ đêm, 5 tàu trung chuyển (tender) và 1 tàu du lịch trong ngày.
Có thể nói, những thiệt hại do bão số 3 gây ra gần như là bước cản khiến các địa phương khó thực hiện mục tiêu tăng trưởng du lịch trong năm 2024. Như đối với tỉnh Lào Cai địa phương này dự báo sẽ khó đạt được con số phấn đấu là 8,5 triệu lượt khách du lịch như mục tiêu ban đầu đưa ra.
Đặc biệt, ngành du lịch Việt Nam đạt mục tiêu 18 triệu khách ngoại, khoảng 110 triệu khách nội địa, tổng thu 680 nghìn tỷ đồng năm 2024, tuy nhiên thời gian còn lại của năm 2024 rất ít, thách thức đặt ra đang rất lớn. Vì thế, Tổng Giám đốc AZA Travel – ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, chúng ta cần đưa dịch vụ du lịch miền Bắc trở về thời điểm như trước bão Yagi càng sớm càng tốt. “Mùa cao điểm khách quốc tế bắt đầu từ tháng 10 và kết thúc vào tháng 4 năm sau. Do đó, chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch miền Bắc đang gần như chạy đua với thời gian để kịp đón khách“- ông Đạt nói.
Nhìn nhận hậu quả mà cơn bão số 3 gây ra cho ngành du lịch, ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI) cho rằng, sau cơn bão số 3, các địa phương cần rút ra bài học về biện pháp phòng tránh và ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả. Đồng thời, cần phải xem xét lại cách tiếp cận trong việc phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với tình hình thời tiết và khí hậu tại từng vùng, miền.
“Để phát triển sản phẩm du lịch thích ứng với thời tiết và khí hậu các địa phương cần lưu ý đến việc thiết kế các trải nghiệm du lịch đa dạng và linh hoạt, có khả năng thích ứng với các điều kiện thời tiết khác nhau. Đồng thời, cần đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch để đảm bảo an toàn và tiện nghi cho du khách”– ông Quỳnh cho hay.
Tăng tốc, sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế mùa cao điểm
Hiện, nhiều điểm du lịch nổi tiếng cũng đã khẩn trương gượng dậy sau bão với nhiều giải pháp quyết liệt, nhằm có thể thực hiện mục tiêu đề ra trong năm 2024. Như, Sở Du lịch Lào Cai tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo ngành giao thông, UBND các huyện, thị xã, thành phố nhanh chóng khắc phục, sửa chữa các tuyến đường sạt lở, để tạo thuận lợi, an toàn cho du khách, nhất là các tuyến giao thông đến địa bàn trọng điểm du lịch Sa Pa, Bắc Hà, Y Tý (Bát Xát); khuyến cáo đối với doanh nghiệp và du khách khi chuẩn bị chương trình tham quan du lịch tại Lào Cai; các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương đảm bảo thông tin liên lạc.
Đối với Quảng Ninh, ngành du lịch địa phương cũng nêu quyết tâm, ưu tiên hàng đầu là sớm đảm bảo các điều kiện để đón khách trở lại. Các doanh nghiệp chủ động sửa chữa cơ sở vật chất, duy trì tốt việc phục vụ các đoàn khách đã đặt trước và những đoàn khách mới.
Lux Group – đơn vị vận hành hai du thuyền tại vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ cũng đã khẩn trương hoạt động bình thường trở lại sau bão số 3. CEO Phạm Hà của Lux Group cho biết, hai du thuyền của công ty này đã đón 6 đoàn, mỗi đoàn gần 100 khách và chủ yếu là khách quốc tế. “Công ty đã nỗ lực khắc phục và sửa chữa hai tàu chở khách nhanh nhất có thể. Từ nay đến cuối tháng, hai du thuyền của công ty cũng gần như kín lịch đón khách”– ông Hà chia sẻ.
Năm nay, Đà Nẵng dự kiến đón 9,8 triệu khách, với lượng khách quốc tế đạt khoảng hơn 4 triệu người. Lãnh đạo ngành địa phương đặt nhiều kỳ vọng vào các thị trường khách lớn truyền thống như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, các thị trường Đông Nam Á, Ấn Độ, châu Âu sẽ quay trở lại và đều có sự tăng trưởng hơn cùng kỳ… Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng – ông Cao Trí Dũng cho biết, cộng đồng doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng luôn đồng hành cùng các cơ quan nhà nước để triển khai hàng loạt các chương trình, chính sách phát triển sản phẩm mới cũng như kích cầu và đầu tư chiều sâu cho hoạt động xúc tiến vào các thị trường lớn, thị trường trọng điểm và thị trường lâu dài.
Về phía cơ quan quản lý, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam – ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao chủ trì nghiên cứu, tham mưu và định hướng việc tạo ra các sản phẩm dịch vụ cũng như có những phương thức xúc tiến quảng bá, tăng cường công tác quản lý điểm đến.
Theo đó, tại Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045 cũng đã xác định rõ, kim chỉ nam cho các địa phương là tập trung đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, dịch vụ chất lượng cao dựa trên các tiềm năng, lợi thế và thế mạnh của mình. Về xúc tiến quảng bá của từng địa phương, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã thông báo rộng rãi tới các địa phương cũng như các doanh nghiệp để cùng tham gia phối hợp đồng hành trong các hoạt động.
Đặc biệt, lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, việc Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp; địa phương đầu tư xây dựng các sản phẩm dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu du khách; một số chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đi lại, đặc biệt là chính sách thị thực, các điều kiện về thời gian lưu trú được cải thiện, miễn giảm thuế… chính là điểm tựa, giúp cho du lịch Việt đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển sau hai năm Covid-19 cũng như sẽ tiếp tục là động lực để du lịch vượt qua khó khăn trước mắt sau bão số 3.
Nguồn: congthuong.vn