Trước thông tin về việc lấp 6.500m2 hồ Đống Đa để thực hiện dự án cải tạo hồ, chuyên gia cho rằng hồ không thể quay về trạng thái ban đầu.
Những ngày qua, dư luận xôn xao và đặt ra nhiều dấu hỏi về thông tin lấp 6.500m2 hồ Đống Đa để thực hiện dự án Cải tạo đồng hạ tầng kỹ thuật cảnh quan đô thị hồ Đống Đa (quận Đống Đa, thành phố Hà Nội). Liên quan đến vụ việc này, ngày 26/9, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu UBND quận Đống Đa phối hợp với các đơn vị liên quan làm rõ và xử lý thông tin phản ánh nêu trên; kịp thời cung cấp thông tin đến các cơ quan báo chí Trung ương và Thành phố theo thẩm quyền quy định; báo cáo UBND thành phố Hà Nội kết quả thực hiện trước ngày 30/9/2024.
Khu vực san lấp tại hồ Đống Đa. Ảnh: MH |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, tại hiện trường, lượng lớn vật liệu xây dựng được san lấp lên diện tích vốn là lòng hồ Đống Đa. Nhà thầu thi công – Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) hiện quay tôn kín xung quanh khu vực này.
Nhiều người dân sinh sống khu vực quanh hồ Đống Đa cho biết, họ hết sức bất ngờ khi đơn vị thi công san lấp, đóng cọc cừ xuống lòng hồ Đống Đa (khu vực mặt đường Hoàng Cầu) khiến diện tích mặt hồ bị thu hẹp. Thậm chí, có hộ dân còn không biết đến thông tin tạm san lấp đến khi xung quanh khu vực công trình được lợp, rào chắn toàn bộ bằng tôn.
Phối cảnh dự án tại công trường thi công. Ảnh: Thái Sơn. |
Bà N.T.H (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Trước đây khoảng gần 1 tháng, tôi đã thấy nhiều công nhân thực hiện lợp tôn, rào chắn toàn bộ khu vực hồ để thực hiện thi công cải tạo. Việc đơn vị thi công như thế nào, ra làm sao, có đúng theo hiện trạng thi công hay không thì chúng tôi không biết và không nắm được. Nếu có tình trạng sử dụng tạm thời diện tích mặt hồ mà không hoàn trả lại hiện trạng được đúng như ban đầu sau khi hoàn thành dự án, thì chắc chắn đơn vị thi công phải đứng ra chịu trách nhiệm”.
Nhiều người dân cũng cho rằng đơn vị quản lý, nhà thầu cần hoàn thành thi công sớm, hoàn trả lại đúng hiện trạng như ban đầu của khu vực hồ, tránh tình trạng biến tướng để “băm nát” hồ ở thành phố Hà Nội như thời gian vừa qua báo chí phản ánh.
Đoạn hồ được san lấp tạm giáp ngõ 38 Hoàng Cầu. Ảnh: Thái Sơn. |
Như đã biết, ao hồ tự nhiên có tác dụng như một “túi chứa nước” khi mưa lớn. Diện tích ao hồ bị thu hẹp cũng làm giảm khả năng tiêu thoát, điều hòa nước mưa của đô thị và điều này dẫn đến nguy cơ xảy ra tình trạng ngập úng lan rộng, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân ở các khu vực lân cận.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về hiện trạng hồ Đống Đa bị san lấp một diện tích lớn như trên, ông Đặng Huy Huỳnh – Phó chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường cho biết, đơn vị thi công công trình không thể lấy lý do lấy một phần mặt hồ để san lấp sau đó hoàn trả lại hiện trạng ban đầu vì khu vực hồ rất quan trọng khi đóng vai trò trong môi trường sinh thái của thành phố Hà Nội.
“Khi đã thực hiện san lấp thì khu vực hồ cũng không thể quay về trạng thái ban đầu, từ diện tích hồ chứa cho đến dòng chảy cũng sẽ bị thay đổi và không thể trở lại trạng thái như trước kia. Do đó, cần phải bảo tồn tối đa diện tích mặt nước ở hồ“, ông Huỳnh khẳng định.
Dự án Cải tạo đồng hạ tầng kỹ thuật cảnh quan đô thị hồ Đống Đa. Ảnh: Thái Sơn. |
Được biết, hồ Đống Đa rộng 12,5ha, chiều dài kè hồ 1.900m. Phía Đông và Đông Nam là tuyến phố Hoàng Cầu nối từ đường Láng đến Đê La Thành, chạy vòng quanh hồ là tuyến phố Đặng Tiến Đông – Mai Anh Tuấn. Các tuyến phố xung quanh hồ Đống Đa dài 1.270m với mặt cắt ngang 6,5m.
Tháng 7/2024, quận Đống Đa khởi công dự án cải tạo hồ với các hạng mục chính gồm cải tạo toàn bộ vỉa hè xung quanh hồ bằng đá tự nhiên nhám bề mặt; nâng cấp đường dạo; thay thế lan can quanh hồ; trồng mới, thay thế một số cây xanh bóng mát; thay hệ thống chiếu sáng.
Ngoài ra, quận Đống Đa bổ sung điểm nhấn cảnh quan (sân khấu và khán đài ngoài trời) đưa ra phía hồ bằng phương án sử dụng hệ dầm sàn bê tông cốt thép trên nền cọc bê tông cốt thép dự ứng lực.
Nguồn: congthuong.vn