Trong quý III năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long phát hiện 104 vụ vi phạm và xử phạt hành chính với số tiền hơn 750 triệu đồng.
Ngày 26/9, thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong quý III năm 2024, Cục đã tiến hành kiểm tra 181 vụ, phát hiện 104 vụ vi phạm và xử phạt hành chính với tổng số tiền 750 triệu đồng.
Tổng giá trị hàng hóa vi phạm hơn 1,7 tỷ đồng và 997 bao thuốc lá điếu nhập lậu, tịch thu hàng hóa có trị giá gần 54 triệu đồng, nộp ngân sách gần 700 triệu đồng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu buôn bán hàng cấm (thuốc lá điếu nhập lậu), hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hoá vi phạm về nhãn; về giá trị sử dụng, công dụng; hàng hóa không có dấu hợp quy, không niêm yết giá; vi phạm về điều kiện kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; vi phạm về kinh doanh xăng dầu, vi phạm về thương mại điện tử,…
Trong quý III/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long phát hiện 104 vu vi phạm, thu phạt hơn 750 triệu đồng (Ảnh: QLTT Vĩnh Long) |
Hàng hóa vi phạm chủ yếu thuốc lá, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc đông y, thức ăn chăn nuôi, phân bón, xăng dầu, thực phẩm đông lạnh, đồ trang trí nội thất, đồ điện gia dụng, linh kiện điện thoại di động, phụ tùng xe gắn máy, xe đạp điện, sản phẩm thời trang.
Bên cạnh đó, các Đội Quản lý thị trường trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long thực hiện lồng ghép công tác tuyên truyền, nhắc nhở cho 176 cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, bán đúng theo giá niêm yết; không đầu cơ, găm hàng, tăng giá vượt mức quy định; không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng…
Đồng thời, Cục Quản lý thị trường cử công chức tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Vĩnh Long kiểm tra lĩnh vực phân bón. Sau khi khiểm tra 4 vu, lấy 16 mẫu phân bón gửi cơ quan chức năng kiểm nghiệm, phát hiện 3 vụ vi phạm và xử phạt hành chính 27 triệu đồng.
Ngoài ra, tham gia đoàn kiểm tra do Cục Nghiệp vụ Cục Quản lý thị trường chủ trì, kiểm tra các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long theo Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2024 của Cục Nghiệp vụ QLTT; Tham gia đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý lâm sản gỗ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long do Chi cục Kiểm lâm và Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản chủ trì;
Tham gia Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất do Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì; Tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm dịp tết Trung thu năm 2024 do Sở Công Thương chủ trì, kiểm tra 10 vụ, lấy 07 mẫu thực phẩm gửi cơ quan chức năng kiểm nghiệm. Phối hợp Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Vĩnh Long kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh, dịch vụ phòng cháy chữa chữa cháy.
Các Đội Quản lý thị trường phụ trách địa bàn cử công chức tham gia các Đoàn kiểm tra cấp huyện, như: Đoàn kiểm tra liên ngành 389 huyện Mang Thít, huyện Trà Ôn. Đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu TP. Vĩnh Long, thị xã Bình Minh, huyện Tam Bình, huyện Bình Tân, huyện Mang Thít. Đoàn kiểm tra liên ngành hành nghề y dược tư nhân huyện Mang Thít và huyện Vũng Liêm; Đoàn kiểm tra thú y thị xã Bình Minh, kiểm tra kiểm tra cơ sở giết mổ và sạp bán thịt heo. Đoàn liên ngành chống thất thu, xử lý và thu nợ thuế thị xã Bình Minh, kiểm tra đôn đốc và ký cam kết đối với 63 hộ kinh doanh; Đoàn nông lâm thủy sản TP. Vĩnh Long, kiểm tra 8 vụ, phát hiện 1 vụ vi phạm; Đoàn kiểm tra kinh doanh tân dược và dịch vụ khám bệnh huyện Bình Tân kiểm tra 23 cơ sở và không phát hiện vi phạm.
Trong 3 tháng cuối năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường thường xuyên theo dõi sát tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, tập trung nắm tình hình các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn phụ trách.
Đặc biệt là tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát hàng hóa lưu thông chuẩn bị phục vụ dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 sắp tới, nhằm đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt và kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm, góp phần ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó sẽ tăng cường kiểm tra về nội dung, điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử; quản lý giám sát hoạt động thương mại điện tử và các mô hình hoạt động kinh doanh trên ứng dụng công nghệ số, kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm, xử lý theo quy định.
Nguồn: congthuong.vn