Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã chính thức được Ủy ban Di sản văn hóa thế giới (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
CôngThương – Ông Vương Văn Việt – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Trưởng đoàn tham dự cuộc họp lần thứ 35 Di sản Văn hóa – cho biết, đây là 1 trong 4 di sản văn hóa được đưa ra bình chọn trong phiên họp sáng 27/6/2011 của hội nghị và là 1 trong 35 di tích được đề nghị trong danh sách xét bình chọn đợt này.
Di tích thành nhà Hồ được công nhận di tích quốc gia từ năm 1962 và bắt đầu việc xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO từ năm 2006. Thành nhà Hồ được vua Hồ Quý Ly xây dựng năm 1397 (nằm ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc), với 4 cổng: tiền, hậu, tả, hữu, thể hiện kỹ thuật xây dựng, kiến trúc đá mẫu mực. Những khối đá lớn được đẽo vuông vức, có kích cỡ trung bình: 2,2m x 1,2m x 1,5m, nặng khoảng 10 tấn, được xếp chồng lên nhau theo hình chữ công, tạo thành vách thẳng đứng, không có mạch vữa… tổng khối lượng đá được sử dụng để xây thành khoảng 20.000m3 và gần 100.000m3 đất được đào đắp. Với kích thước công trình bằng đá lớn như vậy, thành nhà Hồ trở thành công trình kiến trúc đồ sộ bằng đá độc nhất vô nhị ở Việt Nam với 4 bên được bao quanh bằng tường đá.
Sau phố cổ Hội An, cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn, vịnh Hạ Long, khu hang động Phong Nha – Kẻ Bàng và Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), thành nhà Hồ trở thành di sản thứ 7 của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Trước vinh dự này, tỉnh Thanh Hóa đã lên kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản cho thời gian tới.
Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư nhân lực, vật lực để giữ gìn cảnh quan thiên nhiên của di sản, cũng như kiến trúc và thiết kế xây dựng của nó; tiến hành khai quật khảo cổ học, kêu gọi nguồn lực đầu tư từ nước ngoài và trong nước; tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm bảo vệ di sản của cộng đồng, hướng tới việc cả cộng đồng cùng tham gia bảo vệ, phát huy giá trị của di sản; tổ chức thêm nhiều tour du lịch nội vùng, gắn thành nhà Hồ với các di tích vệ tinh như: Phủ Trịnh, chùa Giáng, động Kim Sơn…, các tour du lịch trong tỉnh: suối cá thần Cẩm Lương, Lam Kinh, Sầm Sơn… và các tour du lịch từ thành nhà Hồ đến các kinh đô cổ và di sản khác trong cả nước; phối hợp với các ban, ngành trung ương tiếp tục nghiên cứu sâu thêm về di tích thành nhà Hồ và các di tích phụ cận trên nhiều phương diện: lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khảo cổ, cảnh quan… Trích một phần ngân sách địa phương để đầu tư cho việc thiết kế và khôi phục lại một số hạng mục công trình nhằm làm tăng thêm sức hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu.
Nguồn: congthuong.vn