Không chỉ là đòn bẩy phát triển kinh tế cho hộ nghèo, tín dụng chính sách xã hội còn góp phần hiện thực hóa những giấc mơ tri thức của hàng triệu học sinh.
Hiện thực hóa những ước mơ “chinh phục tri thức”
Cho đến bây giờ, bà Trần Thị Giang ở xóm 2, xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình vẫn không quên cảm giác vừa mừng, vừa lo khi cầm trên tay tờ Giấy báo trúng tuyển đại học của con trai đầu lòng. Nhớ lại những ngày đó, bà Giang ngậm ngùi chia sẻ: “Con đỗ đại học mừng mừng tủi tủi bởi không biết lấy tiền đâu cho con đi học khi một mình tôi phải nuôi 4 đứa con ăn học. Kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào 2 mẫu ruộng và nghề thuốc nam gia truyền. Thương mẹ, con tôi bảo để nó bảo lưu kết quả, đi làm thêm phụ giúp mẹ nuôi các em trước, rồi đi học sau nhưng tôi thương con, không nỡ. Biết được hoàn cảnh của gia đình, đại diện cấp ủy, chính quyền xã, các tổ chức đoàn thể đã đến vận động cho cháu đi học và hỗ trợ mọi thủ tục để tôi được vay vốn chương trình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ Ngân hàng Chính sách xã hội…”.
4 năm sau, có tấm bằng kỹ sư trong tay, con trai bà Giang được tuyển vào một công ty cơ khí với mức lương cao và trở thành trụ cột của gia đình nuôi các em đang theo học đại học và trung học phổ thông. Trong ngôi nhà nhỏ treo đầy những giấy khen của các con, bà Giang không giấu được niềm hạnh phúc: “Các con của tôi có được thành công như ngày hôm nay tất cả là nhờ có sự quan tâm của địa phương, nhờ chính sách tín dụng nhân văn của Đảng, Nhà nước”.
Không chỉ riêng bà Giang, ông Nguyễn Văn Tám và bà Phạm Thị Tuyến ở khu phố Đông, thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh cũng rất xúc động khi chia sẻ về đồng vốn chính sách đối với gia đình. Là hộ thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào 2 vụ lúa nên việc duy trì cho con đến giảng đường đại học rất khó khăn, nhưng gia đình ông Tám vẫn kiên trì bám trụ cho 3 con đến trường. May mắn là trong hành trình chinh phục tri thức, gia đình ông luôn có sự đồng hành của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Các con của ông Tám đều hiểu được hoàn cảnh gia đình nên rất nỗ lực chăm chỉ học tập. Con gái đầu và con trai thứ 2 cùng học Đại học Bách khoa Hà Nội, con trai út học Đại học Bưu chính Viễn thông. “Vất vả, cực nhọc thế nhưng cả nhà chúng tôi đã dìu dắt nhau vươn lên, đến hôm nay dù vẫn là khách hàng thân thiết của Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng vợ chồng tôi có thể mãn nguyện vì cả 3 đứa con đều ăn học thành tài, có việc làm ổn định” – ông Tám tâm sự.
Đã có trên 3,9 triệu lượt học sinh, sinh viên được vay hơn 80.000 tỷ đồng vốn ưu đãi để trang trải chi phí học tập Ảnh: Thảo Hiền |
Góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho quốc gia
Những câu chuyện kể trên chỉ là một vài nét chấm phá trong bức tranh đầy màu sắc của Ngân hàng Chính sách xã hội khi triển khai Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.
Không chỉ triển khai kịp thời vốn đáp ứng nhu cầu của học sinh, sinh viên, Ngân hàng Chính sách xã hội giải đáp kịp thời những ý kiến thắc mắc trong quá trình thực hiện của các địa phương, cơ sở đào tạo và đối tượng thụ hưởng… Đồng thời, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, từ đó nâng mức vay và thời hạn vay phù hợp với nhu cầu của học sinh, sinh viên, đảm bảo Chính sách tín dụng đã phát huy hiệu quả theo đúng mục đích ban đầu là bảo đảm không còn tình trạng học sinh, sinh viên phải bỏ học giữa chừng vì khó khăn kinh tế.
Tại Đại hội XI (năm 2011), Đảng ta nhấn mạnh: “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, đảm bảo cho sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững”.
Quan điểm trên đã thấm nhuần đến từng cán bộ trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, để rồi từ đây, chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã được triển khai sâu rộng, hiệu quả trên toàn quốc trong suốt 17 năm qua, không để một học sinh, sinh viên nào bỏ học vì khó khăn về tài chính trên con đường tiếp cận tri thức.
Bà Lê Thị Thanh Huyền – Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Khánh (Ninh Bình) – chia sẻ, thời gian qua, đơn vị thường xuyên phối hợp rà soát các hộ dân có nhu cầu vay vốn học sinh, sinh viên trong các đối tượng đủ điều kiện như: Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ; mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; học sinh, sinh viên là thành viên của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật…, đảm bảo không có học sinh, sinh viên nào phải nghỉ học vì không có tiền đóng học.
Theo số liệu của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40), trên địa bàn tỉnh có 70.277 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 1.599 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn được hỗ trợ vay vốn mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.
Không chỉ là đòn bẩy phát triển kinh tế cho hộ nghèo, tín dụng chính sách xã hội còn góp phần hiện thực hóa những giấc mơ tri thức của hàng triệu học sinh. Ảnh: Mai Hoàng |
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, 17 năm thực hiện chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đã có trên 3,9 triệu lượt học sinh, sinh viên được vay hơn 80.000 tỷ đồng vốn ưu đãi để trang trải chi phí học tập. Nguồn vốn chính sách không chỉ tạo chỗ dựa, niềm tin cho học sinh, sinh viên nghèo còn góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho quốc gia.
Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng tiếp tục xác định: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” là một trong ba đột phá chiến lược. Đại hội cũng đặt ra yêu cầu phải “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, thể hiện tư duy, tầm nhìn mới của Đảng ta về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời kỳ mới.
Mới đây, trong buổi làm việc với Thành ủy TP. Hồ Chí Minh về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội những năm qua, đặc biệt là cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Khi bàn về lĩnh vực giáo dục, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhìn nhận: “Có những hoàn cảnh học sinh, sinh viên nghèo, không đủ tiền đi học “rất đau xót”. Việc này cần được cân nhắc và tính toán kỹ, đặc biệt là vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội với các cơ chế cho vay. Ngân hàng Chính sách xã hội cho sinh viên vay vốn đi học để các cháu yên tâm học tập. Nếu các cháu học đại học xong ra có việc làm rồi trả nợ dần, tôi tin rất là hay”.
Khi nói về kết quả của chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định: “Đây là một trong các chính sách hiệu quả của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện công bằng xã hội, hỗ trợ và tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, góp phần trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt trong thời gian theo học tại trường. Chính sách này đã giúp cho một bộ phận nhân dân có thu nhập thấp có được sự bình đẳng về đào tạo, hỗ trợ kinh phí để theo học các bậc học khác nhau, kể cả đào tạo nghề, giúp họ có thể có một việc làm ổn định, phát triển kinh tế cho bản thân và gia đình”.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 và Việt Nam đang xây dựng một nền kinh tế số, xã hội số, nhu cầu vay vốn của sinh viên không dừng lại ở việc chi trả chi phí học tập mà còn mua sắm các trang thiết bị phục vụ học tập ở mức độ cao như máy tính cá nhân tốc độ cao phục vụ việc học tập, nghiên cứu. Vì vậy, để có thể cộng hưởng hơn nữa hiệu quả của chương trình tín dụng học sinh, sinh viên đối với công cuộc giảm nghèo phát triển kinh tế địa phương, cao hơn là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao quốc gia, các Bộ ngành cần nghiên cứu đề xuất với Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá nhu cầu của học sinh, sinh viên xây dựng các gói vay phù hợp với nhu cầu của học sinh, sinh viên. Bảo đảm mức vay vốn đáp ứng được nhu cầu tối thiếu, đủ để trang trải các chi phí học tập, đặc biệt tại các thành phố lớn. Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm, khởi nghiệp hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp. Nghiên cứu, xây dựng hình thành các Quỹ cộng đồng để giúp sinh viên tốt nghiệp có thể vay vốn phát triển các dự án khởi nghiệp. Có như vậy, mới phát huy hơn nữa hiệu quả của một chương trình tín dụng đầy tính nhân văn và mang tính động lực trong hành trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển hội nhập của đất nước.
Nguồn: congthuong.vn