Không chỉ là xu hướng tất yếu, thực hành và theo đuổi ESG còn được khẳng định sẽ mang lại giá thị thương hiệu cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Việt bắt đầu đón nhận ESG
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh Việt Nam cũng như thế giới đang tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, vấn đề phát triển bền vững càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp toàn thế giới, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, thời gian gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu “đón nhận” nhiều hơn đến ESG (Environmental – Môi trường, Social – Xã hội, Governance – Quản trị).
Thời gian gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu đón nhận ESG (Ảnh: ST) |
Tuy vậy, Báo cáo sẵn sàng thực hành ESG của PwC trong doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam cho thấy, 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ đang thiếu kiến thức về ESG. Hơn nữa, các doanh nghiệp này đang phải đối mặt với khoảng cách đáng kể về quản trị và báo cáo ESG trong tương quan với tình hình chung ở Việt Nam.
Cụ thể, 60% doanh nghiệp tiết lộ chỉ có cơ cấu không chính thức hoặc không có cơ cấu quản trị về các vấn đề ESG; chỉ 29% doanh nghiệp thiết lập rõ ràng các mục tiêu và thước đo ESG. Trong khi đó, số liệu trung bình của tất cả các loại hình doanh nghiệp lần lượt là 51% và 47%.
TS Nguyễn Phương Nam – chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên hợp quốc (UNFCCC) cho rằng: Trong xu thế toàn cầu chuyển sang phát triển bền vững và thực hành kinh doanh có trách nhiệm, các doanh nghiệp Việt Nam đã có động thái tích cực đón nhận mục tiêu liên quan đến ESG. Tuy nhiên xu hướng đầu tư tập trung vào các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) của doanh nghiệp Việt được nhận định là đang tụt hậu so với xu hướng toàn cầu. Xu hướng đầu tư dựa trên yếu tố ESG tập trung vào các đối tượng cụ thể là các tập đoàn lớn nước ngoài; top công ty niêm yết hàng đầu; các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và các doanh nghiệp ở thị trường có tính cạnh tranh cao đòi hỏi phải nâng cao thương hiệu.
Việc áp dụng và đầu tư theo hướng ESG của các doanh nghiệp tại Việt Nam đang ở giai đoạn đầu. Ngay cả trong các công ty thực hành ESG cũng có xu hướng cũng chưa tìm được cách để cân bằng giữa ba yếu tố: Môi trường, Xã hội và Quản trị. Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề này do việc tiếp thu thông tin và định hướng phát triển kinh doanh hướng tới ESG tại Việt Nam còn chưa đầy đủ và hạn chế.
Cũng theo ông Nguyễn Phương Nam, những vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong việc thực hiện ESG bao gồm: Khả năng tiếp cận thông tin hạn chế, không đủ hỗ trợ về nguồn lực và thiếu định hướng thị trường, trong đó khan hiếm thông tin là vấn đề chính mà các doanh nghiệp này phải đối mặt. Hiện tại, những hạn chế trong việc truy cập thông tin khiến nhiều công ty muốn đầu tư vào ESG không chắc chắn về cách thực hiện như thế nào trên thực tế.
Trong bối cảnh 98% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hệ thống quản lý kinh doanh và quản trị dữ liệu ở nhiều công ty này vẫn còn thô sơ. Trong khi đó, việc thực hiện các khoản đầu tư theo định hướng ESG bao gồm cả việc thực hiện và báo cáo ESG. Khả năng tiếp cận thông tin hạn chế có thể khiến doanh nghiệp do dự trong việc xây dựng chiến lược, xây dựng kế hoạch và tổ chức đánh giá hiệu quả của việc thực hành ESG.
Doanh nghiệp quan tâm đến phát triển bền vững (Ảnh: MK) |
Cơ hội nào cho doanh nghiệp xây dựng thương hiệu?
Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng đầu tư, phát triển kinh doanh tập trung vào ESG là xu hướng không thể đảo ngược trên phạm vi toàn cầu, được khẳng định bằng nội dung và cam kết của các quốc gia về mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Cộng đồng doanh nghiệp là một phần không thể thiếu của cộng đồng toàn cầu. Họ cũng có trách nhiệm về những nỗ lực tập thể hướng tới sự phát triển bền vững.
Yếu tố ESG được coi là la bàn để doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và đặt ra các mục tiêu định hướng tương lai. Dựa trên những mục tiêu này của doanh nghiệp và kết quả thực hiện, Chính phủ, nhà đầu tư và người tiêu dùng có thể đánh giá toàn diện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội.
Việc thực hành và đầu tư theo hướng ESG chắc chắn sẽ đặt ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhận ra rằng đây cũng là cơ hội đáng kể để tăng cường vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi thời đại chỉ cạnh tranh dựa trên lợi thế chi phí thấp đã qua, các nhà đầu tư và người tiêu dùng đang chuyển sang tiêu dùng có chọn lọc và có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Cùng quan điểm trên, ông Phạm Thái Lai – Giám đốc Trung tâm Thông tin Kinh tế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) cho rằng: Thực hành và theo đuổi ESG sẽ mang lại giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp. Trên thực tế, các doanh nghiệp thực hành ESG có tính bền vững, khả năng chống chọi cao hơn cũng như khả năng ứng biến linh hoạt hơn với các tác động từ bên ngoài. Do vậy ESG là mục tiêu trọng tâm mà các doanh nghiệp cần quan tâm trong thời gian tới.
Nguồn: congthuong.vn