Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương hành động quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU.
Chiều 28/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Thủ tướng Chính phủ khẳng định mục tiêu chống khai thác IUU, gỡ thẻ vàng đã có đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn. Ảnh: VGP |
Kết quả triển khai thực hiện chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá kết quả khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) sau 4 đợt thanh tra; kết quả thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU; những tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục, các công việc chưa hoàn thành; xác định các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới (đợt thanh tra lần thứ 5 của của EC dự kiến diễn ra vào tháng 10/2024).
Các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị thống nhất đánh giá, sau gần một năm từ đợt thanh tra lần thứ 4 của EC (tháng 10/2023) và 7 năm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC, Việt Nam đạt được nhiều kết quả được EC ghi nhận, nhiều nội dung EC chỉ ra và yêu cầu đã được khắc phục.
Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW (ngày 10/4/2024) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU. Chính phủ có Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 ban hành Chương trình hành động và kế hoạch triển khai Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, giao cụ thể những nhiệm vụ, thời gian hoàn thành, kết quả đạt được cho từng bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện.
Nhờ đó, kết quả triển khai thực hiện chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến, đạt được những kết quả cụ thể. Khung pháp lý đã được hoàn thiện theo khuyến nghị của EC. Công tác quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá được tăng cường.
Bên cạnh đó, việc thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc thủy hải sản khai thác từ sau đợt thanh tra lần 4 đến nay đã được rà soát, thực hiện chặt chẽ hơn trước. Công tác thực thi pháp luật, xử lý các hành vi khai thác IUU đạt được một số kết quả quan trọng, trong đó đã khởi tố 11 vụ hình sự, đang điều tra 3 vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Ảnh: VGP |
Khẩn trương hoàn thành việc khắc phục các tồn tại, hạn chế
Chỉ rõ mục tiêu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” tại đợt thanh tra lần thứ 5 của Đoàn Thanh tra của EC dự kiến vào tháng 10/2024, Thủ tướng cũng khẳng định mục tiêu chống khai thác IUU, gỡ thẻ vàng đã có đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan, các lực lượng chức năng, cấp uỷ, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tinh thần yêu nước, thương dân, thống nhất nhận thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hành động quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, khẩn trương hoàn thành việc khắc phục các tồn tại, hạn chế, với 3 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, giám sát, quản lý chặt chẽ các đội tàu, không để vi phạm IUU và dứt điểm xử lý tàu cá 3 không (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép); Thứ hai, rà soát, phân loại, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm hành chính thì xử lý hành chính, vi phạm hình sự thì xử lý hình sự; Thứ ba, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc và xử lý nếu vi phạm.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương có liên quan tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt các nội dung, nhiệm vụ và ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 32-CT/TW, Nghị quyết số 52/NQ- CP của Chính phủ; triển khai thực hiện có hiệu quả, vừa tuyên truyền, vận động, vừa áp dụng triệt để quy định tại Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.
Trong đó, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các địa phương điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm khắc 100% các vụ việc liên quan đến đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; ngắt, gửi, vận chuyển thiết bị VMS, môi giới, móc nối và các hành vi vi phạm nghiêm trọng theo quy định tại Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU) tiếp tục tổ chức các Đoàn công tác kiểm tra, giám sát tình hình triển khai các quy định chống khai thác IUU; theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, báo cáo kịp thời kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; tham mưu, đề xuất cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân, lực lượng chức năng có liên quan không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, dung túng, tiếp tay cho hành vi khai thác IUU.
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, chuẩn bị kỹ chương trình, kế hoạch, nội dung tổng thể làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5; chuẩn bị kỹ các phương án đảm bảo tốt nhất, không để bị động, bất ngờ ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của cả nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long (trái) tham dự tại hội nghị. Ảnh: VPG |
Thủ tướng yêu cầu Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo hoàn thành một số nhiệm vụ. Cụ thể, rà soát toàn bộ các vụ việc vi phạm khai thác IUU từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 đến nay. Tập trung tối đa nguồn lực, điều động, tăng cường lực lượng tại địa phương, đặc biệt là chính quyền cơ sở (xã/phường/thị trấn) tại các địa bàn trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng, công an vừa tuyên truyền, vận động, vừa kịp thời ngăn chặn, xử lý từ sớm, từ xa tàu cá, ngư dân có ý định vi phạm, đặc biệt là tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu…
Kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác; kiên quyết xử lý trách nhiệm Ban Quản lý cảng cá, Văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá để tàu cá vi phạm khai thác IUU ra vào cảng, bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác mà không xác minh, xử lý theo quy định. Tiếp tục rà soát, thực hiện nghiêm túc công tác xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; kiên quyết xử lý hình sự hành vi hợp thức hóa hồ sơ cho các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Thủ tướng đề nghị Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, các doanh nghiệp thủy sản nghiêm túc thực hiện quy định về chống khai thác IUU; nghiêm cấm hành vi thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU; nghiêm cấm hành vi móc nối với các tổ chức, cá nhân có liên quan hợp thức hóa hồ sơ cho các sản phẩm thủy sản khai thác vi phạm IUU để xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Hội Nghề cá Việt Nam tiếp tục đồng hành, tích cực vận động hội viên gương mẫu, thực hiện tốt các quy định về phòng, chống khai thác IUU; kịp thời động viên các tấm gương điển hình, người tốt việc tốt; kịp thời phản ánh, tố giác các hành vi vi phạm khai thác IUU.
Thủ tướng yêu cầu, các ban, bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan chuẩn bị kỹ chương trình, nội dung, kế hoạch làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5; chuẩn bị kỹ các phương án tốt nhất, không để bị động, bất ngờ ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của cả nước; bảo đảm việc đón và làm việc với đoàn thanh tra đạt kết quả tốt nhất, sớm gỡ “Thẻ vàng” IUU. |
Nguồn: congthuong.vn