Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đánh giá cao kết quả hội nhập, đối ngoại của ngành Công Thương và cho biết, Thái Lan ấn tượng với kết quả hội nhập quốc tế của Việt Nam
Tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn với Bộ Công Thương diễn ra chiều 17/9, phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đánh giá cao công tác phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn với Bộ Công Thương |
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ Ngoại giao có các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, trong khi đó, Bộ Công Thương cũng có Hệ thống Thương vụ Việt Nam trải rộng khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, do đó, sự phối kết hợp giữa hai Bộ ngày càng chặt chẽ trong tất cả các hoạt động đối ngoại, hội nhập. “Chúng tôi đánh giá cao sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ, toàn diện giữa hai Bộ trong thời gian qua” – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh.
Đáng chú ý, lãnh đạo Bộ Ngoại giao cũng đánh giá cao những nỗ lực cũng như những thành quả mà toàn ngành Công Thương đã đạt được trong 8 tháng năm 2024 khi kim ngạch xuất khẩu đạt 265,4 tỷ USD, bằng 70% kế hoạch năm và tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 10%). Đây là mức tăng trưởng cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á.
Đặc biệt, trong 8 tháng năm 2024, Bộ Công Thương đã ban hành được 120 các Thông tư, văn bản để đôn đốc, thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp, cũng như thúc đẩy xuất nhập khẩu. Đây cũng là kết quả cực kỳ ấn tượng trong bối cảnh xây dựng các quy định mới để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ giao.
Đánh giá cụ thể về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhận định:
Thứ nhất, về thương mại, hai Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao đã phối hợp rất chặt chẽ, đặc biệt trong việc tranh thủ các chuyến thăm cấp cao, các cái cơ chế hợp tác song phương với các nước để thúc đẩy mở cửa thị trường cho các sản phẩm hàng hóa, nổi bật trong đó là hàng nông sản.
Thời gian tới, hai Bộ có thể phối hợp để tiếp tục tận dụng những cơ hội từ các chuyến thăm lãnh đạo cấp cao, kết hợp với các kênh hợp tác song phương, đa phương để tiếp tục mở rộng thị trường cho các sản phẩm thế mạnh.
Chiều 17/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm việc với Bộ Công Thương. Đây là buổi làm việc đầu tiên của Phó Thủ tướng với các Bộ, ngành |
Thứ hai là về hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đang tham gia ngày càng nhiều và ngày càng tích cực vào các diễn đàn quốc tế. Hiện nay trên thế giới đang ngày xuất hiện các sáng kiến mới, những cơ chế mới với yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao do vậy, cần sự phối hợp chặt chẽ tốt hơn nữa giữa hai Bộ ngành.
“Để làm tốt nhiệm vụ này, kiến nghị hai Bộ cần có thêm những cơ chế phối hợp, kịp thời, thường xuyên hơn ở cấp Cục, Vụ để tối ưu hóa nguồn lực, triển khai hiệu quả các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ” – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt kiến nghị và cho rằng, ngoài việc ứng phó với các đề xuất, sáng kiến của các nước, hai Bộ cũng cần chủ động hơn trong việc đề xuất các sáng kiến, cơ chế hợp tác với với các nước để thể hiện vai trò điều phối, dẫn dắt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
“Vừa qua, trong chuyến công tác sang Thái Lan, nước bạn đánh giá rất cao và ngưỡng mộ Việt Nam có thể ký kết tới 17 các hiệp định thương mại tự do (FTA). Thái Lan đề nghị Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình đàm phán các FTA, đặc biệt là các FTA với châu Âu” – Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt thông tin và cho biết, phía Bộ Ngoại giao đã trao đổi với Vụ Chính sách thương mại đa biên để phối hợp, triển khai, thực hiện.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Liên quan đến vấn đề chuyển đổi năng lượng và mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào 2050, Bộ Ngoại giao đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Công Thương để tháo gỡ những khó khăn về điện gió, PPA… đây là những bước tiến rất lớn, quan trọng. Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Bộ Công Thương trong việc tìm kiếm các nhà đầu tư mới, các dự án mới để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Tháng 4/2025, Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững, đây là một dịp để Việt Nam quảng bá cũng như là vận động với sự ủng hộ quốc tế đối với các nỗ lực chuyển dịch năng lượng của Việt Nam.
Cũng theo Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, bên cạnh các ngành công nghiệp truyền thống, hiện nay là có một số ngành công nghiệp mới, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn, công nghiệp hàng không, trí tuệ nhân tạo… đây là những lĩnh vực mà Việt Nam đang rất tích cực thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đi kèm với đó sẽ có những yêu cầu từ các nước đối tác… do đó, Việt Nam cũng cần sớm có cơ chế kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao, để tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư vào những ngành công nghiệp mới này.
Liên quan đến công tác nhân sự tại nước ngoài, Bộ Ngoại giao khẳng định, sẵn sàng phối hợp và tạo thuận lợi cho các cán bộ thuộc Bộ Công Thương đang công tác tại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, và cam kết, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để nghiên cứu mở Văn phòng đại diện Thương mại mới của Bộ Công Thương tại các quốc gia trên toàn thế giới.
Báo Công Thương tiếp tục cập nhật thông tin…
Nguồn: congthuong.vn