Vụ án Tập đoàn FLC nổ ra hai năm trước kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng lớn đến các thành viên trong hệ sinh thái, đơn cử như FLC Faros.
Sau nhiều biến động lớn về nhân sự và pháp lý, Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (HOSE: ROS) mới đây đã kiện toàn bộ máy lãnh đạo, vị trí Tổng giám đốc, người điều hành hoạt động chính được giao cho ông Mai Tiến Dũng (SN 1976) từ ngày 25/9/2024.
Các thông tin chi tiết về vị tân Tổng giám đốc chưa được phía FLC Faros công bố rộng rãi. Tuy nhiên, việc chiếc ghế “nóng” bị bỏ trống hai năm qua đã có chủ mang theo kỳ vọng lớn cho FLC Faros và các nhà đầu tư, mặc dù giai đoạn phát triển phía trước quả thực chưa khi nào dễ dàng.
Với tình hình hiện tại, thành công của FLC Faros cần phụ thuộc rất nhiều vào khả năng lãnh đạo và chiến lược tái cấu trúc của dàn lãnh đạo đạo mới, dẫn đầu bởi ông Mai Tiến Dũng. Công cuộc khôi phục niềm tin của nhà đầu tư và đối tác là yếu tố then chốt cho sự “tái sinh” này.
Được biết, người tiền nhiệm của ông Mai Tiến Dũng là bà Nguyễn Bình Phương, nhân vật đã thôi giữ chức Tổng giám đốc FLC Faros để thay thế bà Hương Trần Kiều Dung trong vai trò Chủ tịch HĐQT từ tháng 4/2022. Tiếc rằng, bà Phương sau đó bị khởi tố hồi đầu năm 2024 do liên quan vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS, Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros và các công ty liên quan.
Chiều ngày 5/8, TAND TP. Hà Nội đưa ra phán quyết đối với bà Nguyễn Bình Phương, cựu Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT FLC Faros. Bà Phương phải chịu hình phạt là 5 năm tù giam.
Bên cạnh đó, hai năm qua, nhiều lãnh đạo cấp cao khác của FLC Faros cũng đã nối tiếp nhau từ nhiệm.
Theo tìm hiểu, FLC Faros được thành lập năm 2011, là nhà thầu chính cho một số dự án tiêu biểu của Tập đoàn FLC trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, sân golf và bất động sản. Hiện nay, cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC vẫn đang bị đình chỉ giao dịch và chưa có thông tin về kế hoạch quay trở lại trên sàn UPCoM.
Nguyên nhân là do Tập đoàn FLC liên tục vi phạm về nghĩa vụ công bố thông tin, nợ báo cáo, nhất là báo cáo tài chính với nhà đầu tư và công chúng. Vốn điều lệ của Tập đoàn FLC đang ở mức gần 7.100 tỷ đồng.
Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, ngày 30/5/2024, HĐQT FLC Faros đã có nghị quyết thông qua chủ trương phê duyệt gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý tại dự án “Khu nhà ở sinh thái xanh FLC Thanh Hóa” và dự án “FLC Golf link và Khu đô thị sinh thái FLC Sầm Sơn” do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.
Ngày 6/5/2024, HĐQT Tập đoàn FLC cũng đã chấp thuận giao dịch của công ty với FLC Faros về gói thầu “Tư vấn quản lý dự án” tại các dự án: Quần thể trung tâm hội nghị, khu dịch vụ, khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng FLC Hạ Long (Quảng Ninh); Trung tâm hội nghị, khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình và Khu Biệt thự nghỉ dưỡng FLC Hải Ninh 2 (Quảng Bình).
Nguồn: congthuong.vn