Mưa nào rồi cũng tạnh, bão nào rồi cũng tan, sau cơn mưa trời sẽ lại sáng, cả nước đã sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp vực dậy sau bão, lũ.
Bão số 3 (bão Yagi) là cơn bão mạnh nhất trên biển Đông trong vòng 30 năm qua. Với sức gió duy trì cấp siêu bão, bão Yagi đã “tàn phá” miền Bắc Việt Nam, không chỉ ở các tỉnh, thành phố ven biển, mà ngay cả Thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền núi phía Bắc cũng thiệt hại rất nặng nề về cả con người, hạ tầng và kinh tế.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bão Yagi và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố ở toàn bộ miền Bắc và Thanh Hóa. Khu vực này chiếm tới 41% GDP và 40% dân số cả nước.
Ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, với những thiệt hại lớn do bão để lại có thể khiến tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại, đặc biệt là một số địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai,…
Bão số 3 gây thiệt hại cho các doanh nghiệp tại Hải Phòng. Ảnh: haiphong.gov.vn |
Thực tế khảo sát tại địa phương bị ảnh hưởng bởi bão của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, bão lũ gây thiệt hại rất lớn, nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản, nông sản trắng tay. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khách sạn, nhà hàng, quán ăn tan hoang, có nhiều cơ sở gần như phải xây dựng lại từ đầu… Đã kinh doanh thì phải vay vốn, nhưng vốn đã bay theo bão, trôi theo lũ, bà con kinh doanh đang đối mặt với nợ nần và cần nguồn vốn mới để tái sản xuất
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, tổ chức vào ngày 21/9 vừa qua, các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý đã phân tích tình hình, đề xuất nhiều giải pháp cấp thiết như: Xóa nợ, giãn nợ, triển khai gói vay với lãi suất 0%… ở thời điểm hiện tại, giải pháp nào được áp dụng cũng hà hơi tiếp sức cho doanh nghiệp và sự hồi phục của doanh nghiệp càng sớm thì kinh tế càng ổn định và phát triển.
Một tín hiệu rất đáng mừng là ngành ngân hàng đã vào cuộc và đưa ra các giải pháp kịp thời như: Miễn giảm lãi vay, gia hạn thời gian trả nợ cho những trường hợp bị thiệt hại do bão lũ. Đến thời điểm hiện tại, đã có 32/40 ngân hàng đăng ký gói tín dụng mới cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3 theo chỉ đạo của Thủ tướng với tổng quy mô 405 nghìn tỷ đồng, lãi suất thấp hơn từ 0,5 – 2%. Ngoài ra, đến nay hầu hết các ngân hàng thương mại đã chủ động giảm lãi suất cho những khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3 mà không cần khách hàng đề nghị… Những giải pháp này giảm áp lực nợ nần, đồng thời tạo chỗ dựa về nguồn vốn để doanh nghiệp trở lại với thương trường.
Lạnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã tới thăm, chia sẻ và động viên một số hộ dân nuôi trồng thuỷ sản tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3. Ảnh: Quỳnh Trang |
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, để người dân, doanh nghiệp phục hồi nhanh thì không chỉ dựa vào sự hỗ trợ của ngân hàng. Một nơi tiếp sức khác chính là ngành thuế, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp trong lúc này là sự hỗ trợ rất có ý nghĩa. Chưa kể, có thể khảo sát cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề, tùy theo mức độ để miễn thuế 1 năm hoặc 6 tháng tiếp theo để “khoan thư sức dân”.
Cùng đó, một nguồn lực khác chính là các doanh nghiệp trong ngành bảo hiểm phải thực hiện trách nhiệm bồi thường, nhanh chóng, minh bạch với tinh thần hỗ trợ khách hàng tối đa. Đây là lúc các doanh nghiệp bảo hiểm thể hiện năng lực và uy tín của mình trên thị trường. Đồng thời cũng giúp ngành bảo hiểm lấy lại “hình ảnh”, nhất là sau giai đoạn khủng hoảng niềm tin năm 2023.
Các chuyên gia cùng cho rằng, dù chính sách gì thì việc quan trọng là phải thực hiện ngay, nhanh để đạt hiệu quả tốt nhất. Hơn nữa, các thủ tục, điều kiện cần rõ ràng, đơn giản để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.
Tại hội nghị nói trên của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng mang đến nhiều hy vọng qua những cam kết quan trọng. Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ luôn cam kết đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong mọi hoàn cảnh. Chính phủ sẽ không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, nghiên cứu và bãi bỏ những “giấy phép con”, đồng thời xóa bỏ các rào cản gây sách nhiễu, phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Thủ tướng còn khẳng định: “Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chính là tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển. Tinh thần là: Vướng ở đâu, tháo gỡ ở đó; mắc ở đâu, giải quyết ở đó. Không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu”.
Đặc biệt, khi trả lời các ý kiến và thắc mắc từ phía doanh nghiệp về chính sách phát triển kinh tế trước mắt và lâu dài, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định rằng, Chính phủ sẽ giữ đúng lời hứa, đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Những cam kết về sự đồng hành rất thiết thực từ Chính phủ và Thủ tướng Phạm Minh Chính và sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành chắc chắn sẽ trở thành động lực, là sự bảo đảm quan trọng giúp cộng đồng doanh nghiệp yên tâm làm ăn.
Phần còn lại phụ thuộc vào chính các doanh nghiệp. Nếu họ hành động theo tinh thần “6 tiên phong” mà Thủ tướng đã gợi ý, bao gồm sự tiên phong trong đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau – cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng – thì dù có khó khăn, doanh nghiệp vẫn sẽ phát triển và Chính phủ sẽ đạt được các mục tiêu đề ra.
Mưa nào rồi cũng tạnh, bão nào rồi cũng tan, sau cơn mưa trời sẽ lại sáng, cả nước đã sẵn sàng hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp vực dậy sau bão, lũ.
Nguồn: congthuong.vn