Việt Nam được nhận định là quốc gia có tốc độ phát triển hàng đầu thế giới về lượng khách du lịch. Năm 2010, Việt Nam đã đón hơn 5 triệu khách du lịch, tăng 15%/năm. Đặc biệt, Việt Nam được biết đến như một điểm du lịch hấp dẫn và người dân nổi tiếng thân thiện.
Vẻ đẹp Hạ Long
CôngThương – Là một đất nước có sức hấp dẫn ngày một tăng, năm 2010 vừa qua, đặc biệt với sự kiện 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, Việt Nam đón hơn 5 triệu khách du lịch nước ngoài, tốc độ tăng trưởng thứ tư thế giới về lượng khách du lịch: tăng hơn 15% so với năm 2009.
Với các ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng, Việt Nam có nhiều thế mạnh để phát triển ngành du lịch bền vững. Các di sản văn hóa nổi tiếng được UNESCO công nhận phải kể đến như Huế, Hội An, vịnh Hạ Long và Phong Nha- Kẻ Bàng. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có thế mạnh về du lịch văn hóa (đáng chú ý ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ), du lịch sinh thái như Sa Pa được xếp trong 10 nơi thú vị nhất trên thế giới đối những người yêu thích đi bộ đường dài.
Chính vì thế, ngành du lịch Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2015, sẽ đón 12 triệu khách du lịch nước ngoài và 28 triệu khách du lịch trong nước với doanh thu 9 tỷ USD. Và trong tương lai, ngành du lịch nước ta sẽ chiếm vị trí thứ 4 ở khu vực ASEAN, sau Malaysia, Thái Lan và Singapore.
Tại hội thảo “Marketing và quản trị du lịch đối với Việt Nam” ngày 22/6/2011 do Trung tâm Pháp Việt Đào tạo về Quản lý (CFVG) và L’Espace đồng tổ chức tại Hà Nội, Giáo sư Marketing của Đại học ESCP Europe (Pháp) Frédéric Jallat nhận định Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển hàng đầu thế giới về lượng khách du lịch và ngày càng có sức thu hút. Nhưng theo ông, để phát triển một nền du lịch chuyên nghiệp hóa, cần phải lưu ý đến việc kết hợp giữa marketing, hệ thống sản xuất và hệ thống nhân lực.
Giáo sư Marketing Frédéric Jallat cho biết, muốn phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa, đòi hỏi người quản lý cần quan tâm tới chiến lược cũng như chất lượng đào tạo nhân lực và tạo hình ảnh ấn tượng của khách hàng đối với doanh nghiệp du lịch. Ngoài ra, cần thúc đẩy hơn nữa công tác truyền thông, địa phương hóa dịch vụ du lịch, để tạo ra các chuẩn mực chất lượng và sử dụng có chiến lược hoạt động truyền thông mang tính cá nhân như kích thích mua sắm dịch vụ, tạo ra các khách hàng trung thành…
Giáo sư Marketing Frédéric Jallat cho rằng, đến năm 2015, du lịch Việt Nam có khả năng sẽ đứng vị trí thứ tư ở khu vực ASEAN.
Nguồn: congthuong.vn