Ngày 29/9/2024, Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc sẽ diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Ngày 29/9/2024, tại trụ sở Bộ Thương mại Trung Quốc, Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc sẽ diễn ra. Dự kiến, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào sẽ đồng chủ trì Kỳ họp.
Tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham dự Kỳ họp, về phía Việt Nam, có lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng Bộ Công Thương: Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, Cục Phòng vệ thương mại, Viện nghiên cứu Cơ khí, Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Công Thương, Văn phòng Bộ, Tổng cục Quản lý thị trường, Báo Công Thương, Trường Đại học Điện lực…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc tại Hà Nội vào tháng 11/2023 |
Với mục đích tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị, thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế, thương mại trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi và tôn trọng chủ quyền của nhau, năm 1994, Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã ký kết thành lập Uỷ ban hợp tác kinh tế, thương mại giữa Chính phủ hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc là cơ chế hợp tác định kỳ, luân phiên giữa hai Chính phủ, do lãnh đạo Bộ Công Thương và Bộ Thương mại Trung Quốc đồng chủ trì.
Từ năm 1994 đến nay, hai bên đã tổ chức được 12 Kỳ họp luân phiên. Năm 2023, Kỳ họp lần thứ 12 là kỳ họp đầu tiên do hai Bộ trưởng đồng chủ trì được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Đây cũng là kỳ họp đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tiếp sau 3 năm bị gián đoạn về đại dịch.
Năm 2024, Kỳ họp lần thứ 13 sẽ được tổ chức tại Trung Quốc. Dự kiến, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào tiếp tục đồng chủ trì kỳ họp.
Trải qua 30 năm, Ủy ban hợp tác giữa hai nước đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy vào sự phát triển hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước. Cơ chế này cũng là một minh chứng cụ thể, khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt – Trung đối với nền kinh tế mỗi nước, nhất là trong bối cảnh hợp tác toàn diện Việt Nam – Trung Quốc đã bước lên một tầm cao mới.
Tại Kỳ họp lần thứ 12, hai Bộ trưởng đã đi sâu thảo luận những vấn đề cả hai nước cùng quan tâm |
Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) nhìn nhận, qua các Kỳ họp, lãnh đạo hai bên đã trao đổi một cách sâu rộng về các vấn đề kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghiệp, nông nghiệp… mà hai bên cùng quan tâm. Những khó khăn, vướng mắc trong hợp tác giao thương cũng đã được đại diện hai nước thẳng thắn đặt lên bàn đàm phán để cùng nhau tìm kiếm giải pháp, giải quyết dứt điểm các vấn đề nảy sinh, tạo thuận lợi nhất cho hoạt động hợp tác, giao lưu của cộng đồng doanh nghiệp và người dân hai nước.
“Trên tinh thần hữu nghị, chân thành và cởi mở, tại các Kỳ họp, hai bên đã trao đổi thẳng thắn các vấn đề mà mỗi bên quan tâm và đã đạt được nhiều đồng thuận quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc trong thời kỳ mới” – lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi nhấn mạnh.
Gần đây nhất, tại Kỳ họp lần thứ 12, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất phía Trung Quốc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu tại thị trường này cũng như đề xuất việc đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho các loại nông sản của Việt Nam; đề nghị tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và phối hợp công tác giữa Bộ Công Thương, các địa phương Việt Nam với các địa phương Trung Quốc…
Phản hồi về những đề xuất trên, liên quan đến việc mở cửa thị trường cho hàng nông sản, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đề nghị doanh nghiệp Việt Nam cần khẩn trương đăng ký cơ sở sản xuất và đóng gói với Hải quan Trung Quốc. Về việc hỗ trợ phát hiện thương hiệu Việt Nam, phía Trung Quốc sẽ cung cấp môi trường kinh doanh thuận lợi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được chỗ đứng.
Hay liên quan đến hợp tác địa phương, Bộ trưởng Vương Văn Đào cũng khẳng định, sẽ hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng mối quan hệ hợp tác với các địa phương có thế mạnh kinh tế Trung Quốc cũng như thúc đẩy mối quan hệ giữa các địa phương hai nước.
Có thể nói, từ những “cái bắt tay” thắm tình hữu nghị của lãnh đạo các cấp, cũng như của hai Bộ trưởng trong Kỳ họp lần thứ 12, quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa bao giờ phát triển tốt đẹp như hiện nay |
Có thể nói, từ những “cái bắt tay” thắm tình hữu nghị của lãnh đạo các cấp, cũng như của hai Bộ trưởng trong Kỳ họp lần thứ 12, quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa bao giờ phát triển tốt đẹp như hiện nay. Hợp tác giữa hai nước duy trì đà phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu.
Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 171,9 tỷ USD và 8 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đạt kim ngạch 38,2 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng sang Trung Quốc cao nhất của Việt Nam giai đoạn 2013 – 2024, đánh dấu một bước tiến vượt bậc trong quan hệ thương mại giữa hai nước.
Đáng chú ý, từ sự đồng thuận của hai Bộ trưởng tại Kỳ họp 12 cũng như sự nỗ lực chung tay của các Bộ, ngành, năm 2024, thương mại nông sản giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc đã chứng kiến một bước tiến vượt bậc. Với việc ký kết được các Nghị định thư, từ tháng 8/2024 hàng sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Hiện tại, các cơ quan chức năng hai nước đang đẩy nhanh quá trình đàm phán, hoàn tất các thủ tục liên quan để mở Nghị định thư xuất khẩu tiếp theo đối với quả dừa tươi, chanh leo và ớt… cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác.
Dấu ấn trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc trong 8 tháng qua còn thể hiện qua 16 văn kiện hợp tác được các Bộ, ngành, địa phương hai nước ký kết nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 18-20/8/2024 vừa qua.
Trong số 16 văn kiện được trao tay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trực tiếp ký và trao 3 văn kiện hợp tác với các cơ quan, địa phương phía Trung Quốc trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Việc ký kết các Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam với các địa phương Trung Quốc được coi là mô hình điểm trong thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc, mở ra những cơ hội mới, mang lại lợi ích to lớn cho các địa phương hai Bên. Và đây cũng là kết quả hợp tác thực chất, sâu rộng, là “trái ngọt” sau những nỗ lực đàm phán, trao đổi, thảo luận của hai Bộ trưởng tại Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc diễn ra tại Hà Nội vào tháng 11/2023.
Tin rằng, tại Kỳ họp lần thứ 13 tới đây, lãnh đạo hai bên cũng sẽ đưa ra nhiều ý tưởng mới nhằm mở rộng và tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại song phương như tăng cường hợp tác nông nghiệp; hợp tác phòng vệ thương mại, hợp tác thương mại điện tử xuyên biên giới; thúc đẩy mở/nâng cấp cửa khẩu biên giới, xây dựng cửa khẩu thông minh và nâng cao mức độ thuận lợi hóa thông quan… hơn nữa từ đó mở rộng thêm không gian hợp tác, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam – Trung Quốc đạt thêm những kỷ lục mới.
Nguồn: congthuong.vn