Để không bị loại khỏi “cuộc chơi”, doanh nghiệp cần quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của EU.
Bên lề Hội thảo tập huấn về các lĩnh vực mới trong thương mại cho các tổ chức hỗ trợ kinh doanh – Hợp phần 3 Dự án Chính sách thương mại và Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Tấn Phương – Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO) để làm rõ hơn về vấn đề này.
Hiện nay, xuất khẩu xanh đang trở thành một trong những tiêu chí quan trọng và ngày càng cấp thiết đối với các doanh nghiệp. Song với hàng rào các chứng chỉ, quy định khắt khe đang là trở ngại đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Vậy thưa ông, ông có thể chia sẻ các bộ tiêu chuẩn xanh, bền vững được áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay ra sao?
Ông Vũ Tấn Phương – Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO) |
Để hướng tới xuất khẩu xanh theo xu hướng toàn cầu, việc doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn từ các nước nhập khẩu là tất yếu. Hiện nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực lâm nghiệp Việt Nam đã bắt đầu áp dụng các bộ tiêu chuẩn để chứng nhận quản lý rừng bền vững. Điều này bao gồm chứng nhận về tuân thủ luật pháp, bảo vệ môi trường và các tiêu chuẩn lao động. Trong đó, chứng nhận phổ biến bao gồm Chứng nhận về quản lý rừng – PEFC-FM (Forest Management Certification) dành cho các tổ chức/đơn vị trồng và khai thác rừng và Chứng nhận về chuỗi hành trình sản phẩm – PEFC-CoC (Chain of Custody Certification) cho quá trình khai thác, chế biến và sản xuất sản phẩm. Tuy nhiên, việc áp dụng vẫn đang trong giai đoạn phát triển và cần thêm thời gian để hoàn thiện.
Cụ thể, Chứng nhận về quản lý rừng – PEFC-FM nghĩa là bao gồm tất cả các hoạt động về quản lý rừng đều phải tuân thủ một loạt tiêu chuẩn như yêu cầu về tuân thủ luật pháp, yêu cầu về bảo vệ môi trường… Các bên liên quan đến rừng và sản phẩm đáp ứng được bộ tiêu chuẩn đó sẽ được chứng nhận quản lý rừng bền vững.
Chứng nhận về chuỗi hành trình sản phẩm – PEFC-CoC nghĩa là nguyên liệu sau khi khai thác tại rừng sẽ được trải qua giám sát các quá trình sơ chế, chế biến, sản xuất theo chuỗi để tạo ra sản phẩm cuối cùng, đưa vào thị trường tiêu thụ sẽ có một chứng nhận để đảm bảo rằng nguồn này đưa vào là hợp pháp. Ví dụ, một cái bàn sản xuất từ tối thiểu 70% nguyên liệu gỗ lấy từ rừng đã được chứng nhận PEFC-FM thì sẽ được dán nhãn chứng nhận của Hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế PEFC (Programme for the Endorsement of Forest Certification) để thị trường nhận diện.
Bên cạnh đó, để đáp ứng các yêu cầu của EUDR (European Union Deforestation Regulation) – liên quan đến quản lý và kiểm soát việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là rừng phải chứng minh sản phẩm đó được sản xuất trong toàn bộ chuỗi cung ứng, không liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020.
Quy định giảm mất rừng và suy thoái rừng (EUDR) được đề xuất nhắm vào những mặt hàng có tác động lớn đến nạn phá rừng và một số sản phẩm có nguồn gốc từ chúng như cà phê, ca cao, đậu nành, dầu cọ, gia súc, gỗ và sản phẩm gỗ… EUDR đòi hỏi các doanh nghiệp phải kê khai tọa độ địa lý của vùng khai thác. Nếu không tuân thủ, sản phẩm có thể bị từ chối nhập khẩu vào EU. Quy định này áp dụng cho các sản phẩm từ nhiều quốc gia và không phân biệt quốc gia xuất xứ.
Ví dụ, doanh nghiệp ở Việt Nam, đang sản xuất ở Việt Nam phải tuân thủ tất cả các luật pháp do Việt Nam quy định bao gồm: quyền sử dụng đất hợp pháp; vấn đề về lao động; chứng minh các vấn đề bảo vệ môi trường như đánh giá tác động môi trường, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ luật pháp… Thêm vào đó, doanh nghiệp phải có hệ thống trách nhiệm giải trình (DDS) để đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của EUDR.
Được biết, EUDR cấm nhập khẩu nhiều nhóm mặt hàng vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng. Vậy, doanh nghiệp cần tuân thủ những luật lệ nào liên quan đến môi trường, quyền sử dụng đất và an toàn lao động, thưa ông?
EUDR cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng. Tại Việt Nam, 3 nhóm ngành bị tác động chính bao gồm gỗ, cao su và cà phê. Để đáp ứng các yêu cầu sản xuất hàng hóa không gây mất rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) áp dụng với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vào EU từ ngày 01/01/2025, VFCO đã có kế hoạch phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) trong xây dựng và tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp ngành gỗ, cao su và cà phê về tiêu chuẩn này.
Việc triển khai hệ thống chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm và trách nhiệm giải trình tại các doanh nghiệp Việt Nam đang đạt được những tiến bộ nhất định, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp lớn và có kinh nghiệm. Vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã phối hợp với Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (VFCO) tổ chức tập huấn cho 22 công ty cao su thuộc VRG tại khu vực Đông Nam Bộ (từ ngày 4-6/9/2024) và khu vực Tây Nguyên (từ ngày 9-11/9/2024) với 98 học viên tham gia.
Cà phê Việt Nam chịu ảnh hưởng của quy định EUDR |
Đến tháng 6/2025, quy định này mới áp dụng với các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ khi xuất hàng sang các nước EU, tức là ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ đã phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ khi nhập khẩu ngành hàng gỗ, cao su và cà phê vào EU. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là những đơn vị sản xuất cao su tiểu điền, vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu này. Một số doanh nghiệp chưa nắm rõ các quy định và không có đủ nguồn lực để triển khai hệ thống quản lý hiệu quả. Điều này cho thấy, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía nhà nước và các hiệp hội doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin và thực hiện các biện pháp tuân thủ.
Trước những tiêu chuẩn khắt khe của EU, ông đánh giá như thế nào về khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?
Tôi cho rằng, khả năng tiếp cận của doanh nghiệp không phải quá khó, tuỳ thuộc mức độ hỗ trợ Nhà nước, hiệp hội, ngành hàng như thế nào để doanh nghiệp họ tiếp cận được thông tin về các tiêu chuẩn này.
Ví dụ, đối với sản phẩm mủ cao su, nếu không nắm được quy trình, hàng hoá được xuất khẩu sang thị trường EU, sản phẩm đó sẽ bị truy xuất ngược lại người bán để chứng minh nguồn gốc, khi đó doanh nghiệp và các bên liên quan phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin, hồ sơ hợp lệ theo một chuỗi đảm bảo đúng quy trình hợp lệ. Vì vậy, chúng ta phải làm hợp lệ ngay khâu bắt đầu từ nguồn xuất đi, tập hợp mua sản phẩm, người ký kết với Châu Âu. Theo đó, hiệp hội, ngành hàng đóng vai trò rất quan trọng trong trường hợp này, để khi có những vấn đề phát sinh cần giải quyết các công ty, doanh nghiệp đơn lẻ có thể thông qua hiệp hội, ngành hàng để phối hợp giải quyết.
Mặt khác, vấn đề quản trị và hệ thống quản trị rất quan trọng. Việt Nam muốn có những doanh nghiệp uy tín mang lại giá trị thương mại, thương hiệu cao bắt buộc phải liên kết chặt trong chuỗi, liên kết với các cơ quan liên quan.
Trước đó, ngay sau khi EU ban hành EUDR, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 88/NĐ-CP ngày 8/6/2023, trong đó, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch hành động thích ứng với EUDR. Theo quy định mới ban hành của EU, những doanh nghiệp lớn phải tuân thủ EUDR từ 30/12/2024, doanh nghiệp nhỏ và vừa bắt đầu áp dụng từ 30/6/2025. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã cùng các bên liên quan tại Việt Nam chủ động xây dựng và ban hành Khung Kế hoạch hành động nhằm tuân thủ quy định này. Khung hành động này cung cấp hướng dẫn toàn diện cho các tổ chức cấp quốc gia và cấp tỉnh, đảm bảo các hành động thiết thực được thực hiện để hỗ trợ các quy trình thẩm định.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: congthuong.vn