Phản hồi đơn kiến nghị, yêu cầu hủy kết quả mở thầu gói thầu hơn 6.300 tỷ đồng từ liên danh Đèo Cả, ACV khẳng định đã đúng quy định và sẽ không có ngoại lệ.
Tại “đại dự án” xây dựng sân bay Long Thành (Đồng Nai), mới đây, chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã tiến hành mở thầu gói 4.7 có giá trị hơn 6.300 tỷ đồng nhằm chọn nhà thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị sân đỗ tàu bay, nhà ga hành khách và các công trình khác tại sân bay Long Thành, giai đoạn 1.
Đây là 1 trong 5 gói thầu lớn được ACV lên kế hoạch đấu thầu trong quý II-III/2024, bao gồm: 4.7, 4.8, 4.9, 7.8 và 11.5. Không chỉ thu hút bởi khối lượng công việc đồ sộ, việc lựa chọn gương mặt vượt qua vòng đánh giá kỹ thuật của gói thầu 4.7 đang vướng vào những lùm xùm, tranh cãi nảy lửa.
Khi hoàn tất, sân bay quốc tế Long Thành sẽ trở thành một trong những trung tâm hàng không lớn nhất Việt Nam và khu vực (Ảnh minh họa) |
Theo đó, gói thầu này chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa hai đối thủ nặng ký, một bên là liên danh 8 nhà thầu, dẫn đầu là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Cổ phần Xây dựng Đèo Cả và Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả, Công ty Cổ phần Lizen, Tổng Công ty Thăng Long, Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng Hoàng Long, Công ty TNHH Hòa Hiệp, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (gọi tắt là liên danh Đèo Cả).
Bên kia là liên danh 6 nhà thầu, đứng đầu là Tổng công ty Xây dựng Công trình Hàng không ACC, cùng với các đối tác khác như: Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco4 và Công ty Cổ phần Xây dựng công trình hàng không Sáu Bốn Bảy.
Thắng bại gần như đã rõ ràng, sau khi phía ACV công bố danh sách các nhà thầu đáp ứng và không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, đồng thời nêu rõ lý do không đáp ứng của từng nhà thầu. Trong đó, liên danh Đèo Cả không đáp ứng được điều kiện về tư cách hợp lệ quy định tại mục chỉ dẫn nhà thầu 5 của hồ sơ mời thầu gói thầu số 4.7.
Cụ thể, một trong các thành viên liên danh là Tổng công ty Đầu tư xây dựng Hoàng Long (mã số trên mạng đấu thầu quốc gia là VN2800177056) đã bị tạm ngưng trên hệ thống từ ngày 30/6/2024 đến thời điểm phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.
Một chuyên gia về đấu thầu cho biết, lỗi mà thành viên của liên danh Đèo Cả vấp phải thực sự là ngớ ngẩn. Theo Điểm a, Khoản 11, Điều 12, Nghị định 24/2024/NĐ-CP, các nhà thầu phải đóng phí duy trì tên và hồ sơ năng lực trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hằng năm là 330.000 đồng.
“Rất có thể, thành viên này đã quên đóng phí và bị tạm ngưng từ 30/6/2024 mà không biết”, vị này nhận định.
Tuy nhiên, phía Đèo Cả đã hai lần gửi đơn kiến nghị, yêu cầu hủy kết quả mở thầu của ACV, do không đồng tình với quyết định của ACV.
Trong văn bản ngày gần nhất, ACV tiếp tục khẳng định quan điểm: hồ sơ mời thầu (HSMT) của gói thầu 4.7 được lập theo mẫu 03B (E-HSMT xây lắp, một giai đoạn hai túi hồ sơ) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành kèm theo Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT ngày 26/4/2024. HSMT đã được chủ đầu tư phê duyệt và đăng tải công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong quá trình đấu thầu.
“Trong suốt thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu (HSDT) gói 4.7 đến thời điểm đóng thầu, bên mời thầu đã trả lời toàn bộ các yêu cầu làm rõ HSMT của các nhà thầu và đăng tải các nội dung làm rõ này lên mạng đấu thầu theo đúng quy định pháp luật”, ACV nhấn mạnh.
Do đó, việc liên danh Đèo Cả chỉ đưa ra ý kiến và bổ sung thông tin trên mạng đấu thầu sau khi ACV đã thông báo kết quả đánh giá HSDT kỹ thuật là hoàn toàn không phù hợp. Đồng thời, ACV khẳng định kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật hoàn toàn tuân thủ đúng các yêu cầu của HSMT và các quy định của pháp luật về đấu thầu, cho nên sẽ không có việc hủy kết quả gói thầu 4.7 như một số thông tin đồn đoán lan truyền trên mạng.
Nguồn: congthuong.vn