Tác giả Nguyễn Quang Chánh vừa tái bản lần thứ 2 cuốn sách “Kể chuyện cụm tình báo H.63 anh hùng” và hé lộ thêm nhiều bí mật về cụm tình báo này.
Tôi gặp Tác giả Nguyễn Quang Chánh tại Hà Nội khi ông đang say sưa ngồi với đồng đội kể về những câu chuyện tình báo. Ông chia sẻ: “Duyên tình cờ, khi mong muốn của mình lại thành hiện thực, tôi được gặp gỡ các vị anh hùng tình báo, được nghe họ kể lại một phần trong sự nghiệp hoạt động tình báo của mình… Mỗi câu chuyện là một kho tư liệu quý hé mở những bí mật xuyên suốt con đường đi tới chiến thắng”.
Cuốn sách “Kể chuyện cụm tình báo H.63 anh hùng” được tái bản lần thứ 2 năm 2024. Ảnh Thu Thủy |
Cuốn sách “Kể chuyện cụm tình báo H.63 anh hùng” với hơn 200 trang là những câu chuyện chân thật, có hồi ức, sống động, hồi hộp và cảm động về chiến tranh, về thời kỳ hoạt động của các chiến sĩ tình báo trong Cụm H.63 đặc biệt như: Nguyễn Văn Tàu (tức Tư Cang), Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo, Nguyễn Thị Ba…
Đặc biệt, nhiều bí mật về điệp viên xuất sắc Phạm Xuân Ẩn qua lời kể của đại tá Nguyễn Văn Tàu – Cụm trưởng Cụm tình báo chiến lược H.63, người chỉ huy trực tiếp, luôn sát cánh cùng ông Ẩn thời kỳ 1962-1972.
Hòa bình lập lại, sau 70 năm, đến nay vẫn có nhiều thắc mắc: Vì sao Mỹ thất bại ở Việt Nam? Vì sao một tri thức giỏi và sống theo “kiểu Mỹ” như Phạm Xuân Ẩn lại có thể đứng trong tổ chức chặt chẽ của Quân đội nhân dân Việt Nam, của ngành tình báo vốn đầy hiểm nguy?
Đã có nhiều cuốn sách viết về điệp viên Phạm Xuân Ẩn như: “Điệp viên hoàn hảo X6” của Lary Berman; “Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời” nhưng cuốn sách “Cụm tình báo H.63 anh hùng” lại có rất nhiều câu chuyện về Phạm Xuân Ẩn cả trong sự nghiệp tình báo và khi trở về với cuộc sống đời thường vô cùng chi tiết, hấp dẫn và xúc động qua chính lời kể của người chỉ huy trực tiếp Nguyễn Văn Tàu.
Theo lời kể của đại tá Nguyễn Văn Tàu: “Ông Ẩn biết tự tạo vỏ bọc hoàn hảo, mặt khác là nhờ Cụm tình báo H.63 được tổ chức tốt, không có lần nào tài liệu của ổng gửi ra lọt vào tay địch… Trong suốt thời gian hoạt động, ông Ẩn đã chuyển cho Trung tâm gần 500 tài liệu và tin tức có giá trị, có những thông tin chiến lược tuyệt mật, quyết định sự thành bại của cả một chiến dịch”.
Cuốn sách còn hé lộ các “mắt xích” vô cùng quan trọng trong đường dây thông tin của H.63, đó là nhân vật Tám Thảo – khi đó cô là người giao liên đầu tiên ở nội đô giao, nhận tài liệu với ông Ẩn để đưa về căn cứ. Ông Ẩn đã có những thông tin tình báo quan trọng với 24 cuộn phim được chuyển về căn cứ thông qua bà Tám Thảo.
Điều này sau đó ông Mười Nho đã chia sẻ: “Đó là tài liệu quý hơn vàng, có 1 tỷ đô la cũng không thể mua được tài liệu ấy”. Sau đó Nguyễn Thị Ba (giao liên riêng cho ông Võ Văn Kiệt) được tiếp tục làm giao liên cho Phậm Xuân Ẩn và cặp bài trùng này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong gần 15 năm cho tới ngày giải phóng 30/4/1975 mà chưa một lần để tài liệu rơi vào tay địch và cả hai đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tháng 1/1976.
Tác giả Nguyễn Quang Chánh chia sẻ: “Cụm tình báo chiến lược H.63 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước là cụm tình báo lập được thành tích đặc biệt xuất sắc với điệp viên hoàn hảo Phạm Xuân Ẩn. Đây là cụm tình báo duy nhất được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1971 khi cuộc chiến đấu còn đang hết sức ác liệt. Và trong Cụm có tới 4 thành viên được tuyên dương Anh hùng”.
Cuốn sách đã cho bạn đọc thấy những gian khổ, hy sinh của những chiến sĩ tình báo làm nên chiến công lẫy lừng cũng như mỗi người điệp viên hoạt động thành công phải có cả 1 tập thể hỗ trợ, tổ chức ở phía sau. Người còn, người mất… nhưng những hy sinh thầm lặng, cao cả của họ mãi được Tổ quốc khắc ghi.
Và những chiến sĩ tình báo ấy – từ trong gian khổ, chịu nhiều hy sinh, họ tham gia hoạt động, nắm chắc sinh mạng của chính mình, họ hiểu phải hy sinh bất cứ lúc nào khi “nằm trong lòng địch” nhưng vẫn sẵn sàng tiến về phía trước vì 2 chữ Tổ quốc thiêng liêng. Khi trở về đời thường, họ cũng bình dị như bao người khác nhưng lại chịu nhiều thiệt thòi… những mất mát, khoảng trống gia đình trong chiến tranh mà khi trở về thời bình muốn bù đắp thì sức khỏe, tuổi tác, điều kiện đã không còn cho phép. Những câu chuyện vô cùng giản dị, chân thật nhưng cũng đầy sống động khiến người đọc như lắng lại, bồi hồi về tình yêu Tổ quốc, tình mẹ sâu nặng, tình nghĩa đồng đội và tình yêu đôi lứa thiêng liêng mà cũng vô cùng xót xa…
Mỗi chi tiết, mỗi bí mật và sự hy sinh mở ra từ trong chiến tranh và đời thường đã cho thế hệ trẻ và chúng ta nhìn nhận, biết ơn sự hy sinh xương máu của mỗi chiến sĩ tình báo, để thêm hiểu và trân quý giá trị cuộc sống hòa bình hôm nay.
Nguồn: congthuong.vn