Sau 70 năm Giải phóng Thủ đô, đến nay, ngành bán lẻ của Hà Nội như “khoác áo mới” và không ngừng lớn mạnh, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
TS. Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp – thương mại (Bộ Công Thương) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, ông có đánh giá như thế nào về thành tựu, mô hình của kinh tế của Hà Nội sau giải phóng?
Có thể nói, trong 70 năm qua, Hà Nội đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội to lớn. Đặc biệt, phát triển mạnh mẽ nhất từ sau khi mở rộng địa giới hành chính. Trước đây, Hà Nội đơn thuần là trung tâm hành chính của cả nước, nhưng ngày nay, với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, cùng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, Hà Nội đã trở thành đầu tàu của cả nước về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục…
Chợ Đồng Xuân (Hà Nội). (Ảnh: S.T) |
Mô hình kinh tế của Hà Nội có sự thay đổi tích cực, đó là đưa thương mại, dịch vụ, du lịch làm mũi nhọn. Cùng với đó, Hà Nội cũng phát triển theo những mô hình kinh tế mới trên thế giới. Hiện nay, khu vực thương mại dịch vụ chiếm gần 2/3 tổng sản phẩm GRDP địa phương. Đây là một hướng đi khá đúng đắn.
Về thương mại, trước kia, Hà Nội chỉ có một số chợ và các hộ bán lẻ nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày của người dân. Ngày nay, lĩnh vực thương mại của Hà Nội trở thành ngành kinh tế lớn, không chỉ phục vụ đời sống người dân mà còn đảm bảo cung ứng phục vụ sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Hà Nội.
Du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Hà Nội vào nhóm 10 Thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, và đứng thứ 15 trong danh sách các điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới. Năm 2023, xuất nhập khẩu của Hà Nội chiếm tỷ trọng gần 9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, đưa Hà Nội lên vị trí thứ 8 trên 63 tỉnh, thành. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 16% tổng sản phẩm của TP Hà Nội. Hà Nội đã thu hút khoảng 4.500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD.
Riêng với ngành thương mại nói chung, ngành bán lẻ Hà Nội nói riêng, ông có thể chia sẻ về sự đổi thay sau 70 năm Giải phóng Thủ đô?
Để có bức tranh thay đổi của ngành thương mại Hà Nội thì chúng ta cần đánh giá sự phát triển của Hà Nội. Năm 1954, khi tiếp quản Thủ đô, Hà Nội khi đó là một thành phố rất nhỏ, có diện tích 152,2 km2 gồm 36 phố nội thành và 4 quận ngoại thành, dân số là 436.624 người và có 8 đơn vị hành chính trực thuộc (4 quận nội thành, 4 huyện ngoại thành). Lúc đó cũng không gọi là quận, như thời chúng tôi sinh năm 1957, quận Hoàn Kiếm khi đó được gọi là Khu phố 13. Cơ sở hạ tầng của Hà Nội, trong đó có hạ tầng thương mại cũng rất nhỏ bé.
TS. Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp – Thương mại (Bộ Công Thương). Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Đến nay, Hà Nội phát triển rất mạnh cả quy mô và diện tích, đặc biệt là sau khi Hà Tây và một phần của Hòa Bình về Hà Nội. Dân số Hà Nội hiện nay là hơn 8,5 triệu người, diện tích 3.358 m2. Hà Nội có 30 đơn vị trực thuộc, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã.
Về chức năng của Hà Nội, trước năm 1954, Hà Nội là trung tâm hành chính, chính trị của khu vực Đông Dương. Đến nay, Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học và kinh tế lớn của cả nước. Hà Nội cũng là một trong những đầu tàu tăng trưởng kinh tế của của cả nước.
Về cơ sở hạ tầng thương mại, trước năm 1954, hạ tầng thương mại của Hà Nội rất nhỏ bé, chỉ có một số chợ, một số cửa hàng bán lẻ nhằm phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.
Ngày nay, hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại của Hà Nội phát triển vượt bậc. Trong đó, có gần 30 trung tâm thương mại, gần 150 siêu thị, hàng nghìn cửa hàng tiện lợi, con số này sẽ còn tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, Hà Nội có 455 chợ truyền thống, hàng chục nghìn hộ dân kinh doanh các cửa hàng bán lẻ, các máy bán hàng tự động. Ngoài ra, thương mại điện tử cũng phát triển rất mạnh.
Thương mại Hà Nội phát triển cả nội địa và quốc tế. Hà Nội được xếp trong Top 10 địa phương xuất khẩu cao nhất cả nước. Trong năm 2023, Hà Nội xếp thứ 8, với gần 17 tỷ USD, chiếm 5% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Có thể khẳng định, ngành thương mại của Hà Nội trở thành một trong những ngành kinh tế lớn, không chỉ phục vụ đời sống của nhân dân mà còn phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của Hà Nội. Hà Nội đã vươn lên trở thành đầu tàu kinh tế của khu vực Bắc Bộ và của cả nước.
Vì sao thương mại Hà Nội có sự phát triển như vậy, thưa ông?
Trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và ngành thương mại Hà Nội đã có rất nhiều giải pháp để ngành thương mại Hà Nội có sự phát triển tương xứng với sự phát triển của Hà Nội và của đất nước, cũng như giữ vững thị trường trước sự cạnh tranh của nhiều nhà đầu tư FDI, cũng như các các địa phương khác.
Người tiêu dùng Thủ đô mua sắm tại siêu thị. Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách thuận lợi để các nhà đầu tư đến để xây mới, xây lại hoặc cải tạo hạ tầng thương mại. Đặc biệt là các loại hình thương mại văn minh hiện đại được chính quyền rất quan tâm. Chính quyền chức năng đã ban hành nhiều Đề án để phát triển các loại hình thương mại này. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cũng đã tổ chức tuyến bộ để phát triển kinh tế và tiếp tục phát triển trong bối cảnh khách du lịch đang đến đông và chủ trương phát triển kinh tế đêm.
Đặc biệt là thời điểm trước, trong và sau Covid-19, Hà Nội triển khai mạnh các chương trình phát triển thương mại như: Tháng khuyến mại tập trung, Chương trình bình ổn giá vào các dịp lễ, tết; Hà Nội cũng tích cực thực hiện xúc tiến hàng Việt, triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”,…
Về phía các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn thành phố cũng tham gia tích cực, liên tục triển khai các chương trình bình ổn giá, khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn. Những giải pháp này giúp thương mại Hà Nội tiếp tục phát triển, vượt qua những giai đoạn khó khăn như khủng hoảng kinh tế năm 2008 – 2009 và đợt dịch Covid-19 vừa qua.
Ông có thể làm rõ hơn về sự đổi mới hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại của thành phố từ góc nhìn của chuyên gia?
Năm 1993, tôi đi ra nước ngoài học tập, lúc đấy đất nước bắt đầu đổi mới, đến năm 1997, tôi có về nước một thời gian ngắn, khi đó Hà Nội đã có siêu thị nhưng siêu thị khá vắng. Đến năm 2002 khi tôi về nước, siêu thị tại Hà Nội mọc lên rất nhiều và khách hàng vào siêu thị rất đông. Và đến nay, người dân đi vào siêu thị mua sắm đông nghẹt.
Người tiêu dùng Thủ đô mua sắm tại cửa hàng thực phẩm sạch Biggreen Hoàng Văn Thái, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Có thể thấy, bên cạnh chợ truyền thống và cửa hàng bán lẻ của tư nhân thì đã có sự chuyển khá mạnh sang hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại văn minh hiện đại. Người dân đã dần đã quen dần với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại văn minh hiện đại, do ở đây có yếu tố văn minh thương mại, hàng hóa đảm bảo an toàn thực phẩm, giá cả được niêm yết. Khác ở ngoài chợ phải mặc cả, cùng với những mối lo về an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng thương mại truyền thống (chợ) vẫn tồn tại và vẫn tiếp tục phát triển, nhiều chợ đầu mối tiếp tục được xây dựng. Chợ truyền thống tuy gọi là chợ truyền thống nhưng khác trước do được đầu tư, cải tạo, xây mới. Không chỉ về mặt hạ tầng cứng, nhiều chợ đã sử dụng phương pháp thương mại hiện đại, như thanh toán không dùng tiền mặt, bán hàng online, hay đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhất định dù không được bằng siêu thị.
Có thể thấy, hệ thống thương mại của Hà Nội ngày càng được mở rộng, nâng cấp theo hướng văn minh hiện đại hơn.
Việc thu hút các doanh nghiệp FDI vào ngành bán lẻ của Thủ đô, theo ông cách làm này cần được triển khai thế nào để thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng đồng thời cũng để nâng được sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội?
Trong thời gian qua, nhiều quốc gia đã đầu tư vào kênh phân phối hiện đại tại Việt Nam. Việc này một phần do Việt Nam đẩy mạnh thu hút các nhà bán lẻ hiện đại vào đầu tư tại kênh phân phối trong nước. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng mạnh của thương mại nội địa đã tạo ra nhu cầu đầu tư rất lớn ở cả trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương PhanThị Thắng đi kiểm tra nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên Đán 2024 tại siêu thị AEON Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Các doanh nghiệp FDI đã đến đầu tư vào Việt Nam và mở ra những siêu thị rất lớn. Trong đó, phải kể đến Central Group (tập đoàn đa ngành hàng đầu Thái Lan), Lotte của Hàn Quốc, AEON của Nhật Bản… đã mang lại diện mạo mới cho thương mại của Hà Nội và cả nước. Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng tăng thêm sự trải nghiệm mua sắm, mà thông qua kênh phân phối nước ngoài, xuất khẩu hàng Việt cũng đạt nhiều kết quả ấn tượng. Nhờ đó, thúc đẩy phát triển thương mại của Hà Nội gồm cả thương mại nội địa và thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, cơ hội đi liền với thách thức, làn sóng các doanh nghiệp FDI ngành bán lẻ đầu tư vào Việt Nam đãtạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp bán lẻ của Hà Nội, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp nội còn tương đối yếu kém.
Mặc dù chúng ta cũng đã có những doanh nghiệp bán lẻ có tên tuổi như Winmart, Co.op Food, Ecofood, Tomita Mart,… hay các siêu thị điện máy như: Nguyễn Kim, Thế giới di động, MediaMart… nhưng vẫn còn đi sau họ nhiều.
Áp lực cạnh tranh vừa là thách thức cũng là cơ hội để doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, việc này cũng đặt ra bài toán về chính sách trong việc thu hút doanh nghiệp FDI vào lĩnh vực bán lẻ phải thận trọng, bài bàn, có lộ trình phù hợp. Để vừa có thể thu hút doanh nghiệp FDI, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Dù vậy, theo tôi, đây là bài toán không dễ đối với Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Giải pháp đặt ra cho các doanh nghiệp bán lẻ nội trong cuộc đua giành thị phần này là gì thưa ông?
Hiện nay, các cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại, siêu thị chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Các doanh nghiệp bán lẻ ngoại cũng đang ngày càng chiếm miếng bánh thị phần này. Do đó, việc các doanh nghiệp bán lẻ nội chuyển hướng về nông thôn cũng đối diện với bài toán khó khăn nhất định do sức mua của bà con nông thôn hiện nay còn thấp. Do đó, chi phí sẽ cao hơn. Đây là về trước mắt, còn về lâu về dài, tôi cho rằng, đây là chiến lược đúng.
Một chiến lược khác đó là liên doanh, liên kết với các nước ngoài, ví dụ như Tập đoàn BRG (chuỗi siêu thị BRGMart) hợp tác với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) nhằm phát triển toàn diện chuỗi siêu thị FujiMart tại thị trường Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Trong 70 năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam và của kinh tế Thủ đô, ngành thương mại Hà Nội đã có sự phát triển vượt bậc cả về chiều rộng và chiều sâu, chúng tôi tin tưởng rằng, thương mại Hà Nội sẽ tiếp tục có những bước phát triển để xứng đáng với sự tin yêu của cả nước. Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học và kinh tế lớn của cả nước, trong đó, ngành thương mại đã, đang và sẽ đóng góp rất lớn vào sự phát triển của kinh tế Hà Nội nói riêng và kinh tế cả nước nói chung. |
Nguồn: congthuong.vn