Rap Việt quyết định giữ ghế giám khảo cho B Ray làm dấy lên làn sóng phẫn nộ. Dư luận cho rằng chương trình đang tiếp tay cho nghệ sỹ thiếu lòng yêu nước.
Tập đầu tiên của chương trình Rap Việt lên sóng đã thu hút lượng lớn khán giả quan tâm, bàn tán nhưng không chỉ vì dàn thí sinh tài năng năm nay, mà còn là sự xuất hiện của một vị giám khảo đang gây tranh cãi trong thời gian qua là B Ray.
Trên mạng xã hội, nhiều người đã bày tỏ sự thất vọng và phẫn nộ khi chương trình vẫn để một nghệ sĩ từng dính vào “lùm xùm” về lòng yêu nước giữ vai trò quan trọng trong chương trình này. Cư dân mạng đã liên tục kêu gọi tẩy chay chương trình và yêu cầu loại bỏ B Ray khỏi Rap Việt.
Một số người đặt câu hỏi về trách nhiệm của nhà sản xuất, cho rằng việc giữ B Ray là thiếu tôn trọng đối với khán giả và các giá trị văn hóa của quốc gia. Các bình luận như “Rap Việt đang đi ngược lại tinh thần yêu nước” và “không thể dung túng cho nghệ sĩ có phát ngôn lệch lạc” liên tục xuất hiện, phản ánh sự bất mãn của công chúng.
B Ray tên thật là là Trần Thiện Thanh Bảo, sinh năm 1993. Nam rapper từng có thời gian sinh sống ở Mỹ, sau đó về Việt Nam hoạt động nghệ thuật, gây chú ý với các sản phẩm như “Con trai cưng”, “Ex’s Hate Me”, “Anh nhà ở đâu thế”… Khi trở thành HLV của Rap Việt, B Ray từng gây nhiều tranh cãi với những phát ngôn của mình.
Việc B Ray vẫn đảm nhận vị trí giám khảo tại Rap Việt khiến nhiều người phẫn nộ (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, sự việc khiến anh trở thành tâm điểm chỉ trích là những phát ngôn và hành động bị cho là thiếu tôn trọng đất nước. Nhiều người cho rằng, những chia sẻ của B Ray trên mạng xã hội không chỉ gây phản cảm mà còn đi ngược lại với những giá trị yêu nước mà nghệ sĩ cần lan tỏa.
Đáng chú ý, các bài đăng của B Ray liên quan đến các vấn đề nhạy cảm khiến anh mất điểm trong mắt người hâm mộ. Cư dân mạng dấy lên làn sóng phản đối, kêu gọi tẩy chay các sản phẩm âm nhạc của anh. Nhiều người còn đặt ra câu hỏi về tư cách của một nghệ sỹ sở hữu lượng người theo dõi đông đảo như vậy, hơn ai hết, họ cần cẩn trọng trong lời nói và hành động của mình.
Nhiều cư dân mạng bức xúc cho rằng B Ray không chỉ đứng biểu diễn dưới cờ lạ mà còn đã làm tổn thương lòng tự hào dân tộc của nhiều người.
Không dừng lại ở đó, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cơ quan quản lý cần tiến hành một cuộc sàng lọc triệt để, để loại bỏ những nghệ sỹ có tư duy lệch lạc ra khỏi làng giải trí Việt Nam. Làn sóng tẩy chay B Ray ngày càng mạnh mẽ, với nhiều người kêu gọi tẩy chay triệt để để ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực từ những nghệ sỹ thiếu ý thức.
Đây không phải là lần đầu B Ray vướng vào các tranh cãi. Trước đó, anh đã từng bị chỉ trích dữ dội khi ra mắt ca khúc “Để ai cần” với phần lời chứa nhiều từ ngữ dung tục và phản cảm. Nội dung bài rap thể hiện thái độ thù hằn của một chàng trai đối với người yêu cũ, với những từ ngữ gây sốc lặp đi lặp lại, thậm chí có đoạn Bray còn biến tấu câu hát thành lời chửi thề.
Trước sự chỉ trích gay gắt từ phía công chúng, nhiều người không khỏi thắc mắc về quyết định của Ban tổ chức Rap Việt khi vẫn để B Ray đảm nhận vị trí giám khảo. Điều này đặt ra câu hỏi về việc chương trình có đang tạo điều kiện cho những nghệ sỹ không có ý thức về lòng yêu nước, và liệu rằng một chương trình lớn như Rap Việt có nên đặt tiêu chí đạo đức của giám khảo lên hàng đầu hay không?
Điều này đặt ra nghi vấn về tiêu chí đạo đức của chương trình và trách nhiệm của nhà sản xuất. Dù là một chương trình giải trí, thế nhưng Rap Việt lại có sức ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa và tư duy của giới trẻ. Để những nghệ sỹ với các quan điểm gây tranh cãi tiếp tục xuất hiện trong chương trình có thể tạo ra tác động tiêu cực đến khán giả. Sự kiện B Ray vẫn xuất hiện ở ghế giám khảo của Rap Việt sau những ồn ào gần đây có thể khiến chương trình đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều và sự mất lòng tin từ công chúng.
Ở nhiều quốc gia khác, các nghệ sỹ khi có những phát ngôn gây tranh cãi thường phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng. Họ có thể bị công chúng tẩy chay, các hợp đồng quảng cáo bị hủy bỏ, thậm chí còn bị pháp luật trừng phạt.
Chẳng hạn, ở Trung Quốc, chính quyền thường có các biện pháp cứng rắn, như cấm sóng và loại bỏ hoàn toàn nghệ sỹ khỏi làng giải trí nếu họ có hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức hoặc đưa ra phát ngôn nhạy cảm. Các nghệ sĩ ở Hàn Quốc cũng không ngoại lệ, khi nhiều người bị tẩy chay hoặc hủy hợp đồng quảng cáo nếu vướng vào tranh cãi liên quan đến quốc gia hay vấn đề chính trị.
Được biết, kênh truyền hình phát sóng Rap Việt – Vie Channel được hình thành từ sự hợp tác giữa Công ty Cổ phần Vie Channel (thuộc Đất Việt VAC, nhà sản xuất chương trình) và Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV). Định hướng của kênh này tập trung vào các chương trình giải trí thu hút giới trẻ.
Bản thân Đất Việt VAC là một trong những công ty công nghệ truyền thông và giải trí lớn nhất Việt Nam. Thành lập từ năm 1994 bởi ông Đinh Bá Thành, ba cột trụ đầu tiên của công ty này là DatViet Media (công ty truyền thông), DatViet OOH (công ty quảng cáo ngoài trời) và DDB Việt Nam (công ty liên doanh về quảng cáo).
Cùng với thời gian, Đất Việt VAC mở rộng mạnh mẽ hình thành thêm hàng chục công ty thành viên, trong đó các tên tuổi lớn nhất bao gồm: DongTay Promotion (nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế), TK-L (công ty cung ứng bản quyền truyền hình), M&T Pictures (hãng sản xuất phim truyền hình), DID TV ( kênh truyền hình tư hữu), Nomad MGMT VietNam (công ty quốc tế quản lý tài năng).
Nguồn: congthuong.vn