Để sản phẩm Thương hiệu Quốc gia vươn xa, cần tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp tạo chuỗi sản xuất kinh doanh với những sản phẩm mang giá trị thuần Việt.
Chủ động ứng phó với cạnh tranh về thương mại quốc tế bảo vệ thương hiệu
Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động và có độ mở cao nhất thế giới, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 của ASEAN và thứ 40 thế giới. Trong những năm qua, giá trị Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã khẳng định được uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh, thương hiệu ngày càng có vai trò quan trọng trong chiến lược cạnh tranh và phát triển của mỗi doanh nghiệp, ngành, địa phương và cả quốc gia. Theo nhiều ý kiến cho rằng, để thương hiệu Việt được xuất khẩu bền vững thì việc cần làm là doanh nghiệp phải xây dựng được Thương hiệu Quốc gia “chỉ mặt điểm tên” ngay từ sân nhà.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh. Ảnh: Q.C |
Chia sẻ về những thách thức đang đặt ra cho doanh nghiệp Việt trong quá trình xây dựng thương hiệu tại Toạ đàm “Nâng tầm giá trị Thương hiệu Quốc gia Việt Nam trong ‘sân chơi’ thương mại toàn cầu” do Báo Công Thương tổ chức vừa qua, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết: Đầu tiên, doanh nghiệp phải xác định xây dựng thương hiệu cho nhãn hàng là cả một quá trình. Và để xuất khẩu được một mặt hàng ra nước ngoài có Thương hiệu Quốc gia thì việc sản xuất kinh doanh phải ổn định bền vững và có thương hiệu lâu dài. Đây là cái khó với nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Vì phần lớn doanh nghiệp Việt vẫn sản xuất chủ yếu là nhỏ lẻ, theo từng lô hàng, trong khi đối tác thì lại cần sự lâu dài và ổn định.
Thứ hai, cạnh tranh về thương mại quốc tế trong lĩnh vực thương hiệu ngày càng phức tạp. Vượt quá khả năng của một doanh nghiệp, một địa phương, thậm chí là một ngành hàng. Vì thế rõ ràng với một doanh nghiệp có Thương hiệu Quốc gia thì việc xây dựng thương hiệu rất quan trọng. Nhưng việc bảo vệ thương hiệu đó trong các tranh chấp quốc tế cũng là một vấn đề lớn mà chúng ta phải quan tâm ngay từ đầu.
Thứ ba, là việc chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu. Trước đây xuất chủ yếu là hàng thô, tăng lượng hàng công nghiệp chế biến để từ đó sản phẩm cung cấp ra thị trường ổn định, đảm bảo an toàn và bền vững, không chỉ cho một thị trường cụ thể mà các quốc gia khác nhau trên thế giới.
Thứ tư, chúng ta phải có sản phẩm thuần Việt riêng. Việc định vị dấu ấn riêng với sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm địa phương sẽ giúp sản phẩm có tính đặc sắc ổn định. Bên cạnh đó, sản phẩm phải có giá trị gia tăng ở mức cao nhất… thì lúc đó Thương hiệu Quốc gia mới có tính ổn định, bền vững và chủ động.
Cuối cùng, sản phẩm phải có khả năng thích ứng với các yêu cầu đổi mới với người tiêu dùng cũng như đáp ứng đủ điều kiện từ các quy trình sản xuất theo các quy chuẩn quốc tế. Bởi, hiện việc các quốc gia châu Âu đang có chính sách bảo vệ môi trường, người sản xuất và người tiêu dùng. Trong đó, khả năng thích ứng với các điều kiện, đặc biệt là khả năng xanh hóa đang là một trong những đòi hỏi mà các doanh nghiệp Việt cần phải quan tâm khi muốn xây dựng và bảo vệ Thương hiệu Quốc gia.
Tạo chuỗi sản xuất kinh doanh mang giá trị thuần Việt
Góp ý thêm về mặt giải pháp để sản phẩm Việt không chỉ khẳng định được giá trị Việt, thương hiệu Việt tại thị trường trong nước mà cả trên thị trường quốc tế, chuyên gia Thịnh cho biết, để nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả Thương hiệu Quốc gia cần đồng bộ các giải pháp.
Cụ thể, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh số hóa và từ đó có kho dữ liệu về tất cả sản phẩm mình sản xuất ra, từ khâu thiết kế đến khâu sản xuất kinh doanh, tiêu thụ, thị trường, đổi mới thương hiệu cho đến các vấn đề liên quan đến sản phẩm mang Thương hiệu Quốc gia hướng đến sự phát triển bền vững.
Ngoài ra, cần tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước tạo chuỗi sản xuất kinh doanh mang giá trị thuần Việt. Việt có những hàng hóa mang tên tuổi và gắn liền với thương hiệu Việt Nam thì việc bảo vệ sẽ chủ động, dễ dàng hơn.
Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng Secoin tham gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ ở nước ngoài. Ảnh: Secoin |
Doanh nghiệp cũng cần thường xuyên nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, phải đổi mới sáng tạo, từng phân khúc thị trường, từng thời điểm cũng như từng lứa tuổi, từ đó nâng cao được chất lượng của thương hiệu. Nghĩa là chúng ta phải đổi mới liên tục thương hiệu thì lúc đó tự thương hiệu sẽ có khả năng tồn tại lâu dài.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tích cực sử dụng các nguyên nhiên vật liệu trong nước, giảm thiểu tối đa nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu, chủ động trong quá trình cung cấp nguyên nhiên vật liệu ổn định trong sản xuất kinh doanh cũng như là nâng cao được hiệu quả những sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Điều quan trọng, khi doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường lớn thì cần phải đăng ký thương hiệu để bảo vệ thương hiệu. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng thương hiệu và đảm bảo thương hiệu của mình phát triển ổn định, bền vững.
Về phía nhà Nhà nước, đặc biệt là Bộ Công Thương, cần quan tâm và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện, đưa ra những chỉ dẫn để doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu của mình.
Nhà nước cần có cơ chế chính sách, hướng dẫn về thủ tục hành chính và tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát huy được cao nhất thương hiệu mình đang có và giữ được thương hiệu đó từ đó ổn định thương hiệu quốc gia.
Để phát triển Thương hiệu Quốc gia mạnh mẽ hơn, bà Đinh Hoài Giang – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng Secoin kiến nghị, cần tăng cường hỗ trợ về chính sách và tài chính: Để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể vươn lên đạt Thương hiệu Quốc gia, chúng tôi đề nghị nhà nước và các cơ quan liên quan tăng cường hơn nữa các chính sách hỗ trợ tài chính, như các gói vay ưu đãi hoặc chính sách miễn giảm thuế, để khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là các chương trình tiếp cận thị trường quốc tế, cần được tổ chức thường xuyên hơn với quy mô lớn, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ đối tác quốc tế, mở rộng mạng lưới kinh doanh và tạo ra nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa.
Phối hợp cùng các doanh nghiệp giải bài toán làm sao có thể đưa được sản phẩm được thiết kế và sản xuất đến tay người tiêu dùng trên thế giới dưới chính tên thương hiệu Việt Nam.
Nguồn: congthuong.vn