Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, dịp lễ 2/9, do giá vé máy bay cao khiến giá tour nội địa cao, dẫn đến khách Việt chọn đi du lịch nước ngoài.
Sáng 5/9, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam thông tin về tình hình phục vụ khách du lịch dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm 2024.
Giá vé máy bay cao khiến giá tour nội địa cao, dẫn đến một bộ phận khách chọn đi du lịch nước ngoài. Ảnh: Minh Hoàng |
Giá các dịch vụ du lịch không tăng nhiều so với ngày thường
Theo đó, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, kỳ nghỉ lễ 2/9 kéo dài trong 4 ngày được coi là cao điểm cuối cùng trong mùa du lịch hè 2024, các địa phương, khu, điểm du lịch, doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch đã có sự đầu tư, chuẩn bị kĩ càng về điều kiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như phong cách phục vụ, bố trí đủ nhân lực để phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi và mua sắm.
Tại hầu hết các điểm đến, giá các dịch vụ du lịch không tăng nhiều so với ngày thường, nhiều cơ sở lưu trú không phụ thu dịp lễ giúp du khách được hưởng chất lượng dịch vụ tốt với giá cả ổn định. Tính đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận sự cố, vấn đề nghiêm trọng xảy ra ảnh hưởng đến hoạt động du lịch trên cả nước. Hiện tượng tăng giá, ép giá hay chặt chém, lừa đảo du khách cơ bản không diễn ra.
Xu hướng cơ bản trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm nay là khách du lịch chủ động đặt dịch vụ sớm, đối tượng khách tập trung vào nhóm gia đình, bạn bè; nhu cầu đi du lịch trong ngày, sử dụng các dịch vụ lẻ chiếm ưu thế. Nhiều du khách có xu hướng chọn đi xe cá nhân để tiện cho việc di chuyển thay vì mua tour trọn gói.
Bên cạnh đó, theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành có sự chuẩn bị từ sớm cùng với việc tiếp tục áp dụng chương trình kích cầu “Người Việt đi du lịch Việt – Việt Nam tôi yêu”, triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá đã góp phần tạo nên một mùa nghỉ lễ sôi động cuối cùng trong năm.
Một số doanh nghiệp lữ hành lớn như Vietravel ước phục vụ khoảng 68.000 lượt khách đăng ký tour và gói dịch vụ du lịch trong dịp nghỉ lễ 2/9. Đồng thời đón hơn 5.000 lượt khách quốc tế từ các thị trường Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, châu Âu… đến Việt Nam du lịch.
Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cao cấp ở các điểm du lịch nổi tiếng như Hạ Long, Đà Nẵng, Bình Thuận đã đưa ra nhiều hình thức khuyến mại, không phụ thu dịp lễ để thu hút du khách. Tuy nhiên, tại một số khách sạn vẫn ghi nhận công suất sử dụng phòng không có sự đột biến lớn so với các kỳ nghỉ trước: Kiên Giang ước đạt 35%, Thanh Hóa ước đạt 37%, Đà Nẵng ước đạt 55%, Thừa Thiên Huế ước đạt 64%…
Đối với vận chuyển hàng không, tổng số chuyến bay cung ứng trong dịp nghỉ lễ ước đạt hơn 4.250 chuyến bay, bình quân 840 chuyến/ngày, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số chuyến bay nội địa bình quân là 600 chuyến/ngày, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2023. Số chuyến bay quốc tế bình quân là 241 chuyến/ngày, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023. Giá vé máy bay nội địa có sự tăng cao vào ngày đầu đối với chiều đi và ngày cuối của chiều về trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh. Cảng hàng không Tân Sơn Nhất ước tính phục vụ trên 600.000 lượt hành khách.
Tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, tổng số chuyến bay nội địa và quốc tế đến trong 4 ngày nghỉ lễ ước đạt 484 chuyến (trung bình 120 chuyến/ngày). Cảng hàng không Cam Ranh ước vận chuyển khoảng 450 chuyến bay đi và đến với khoảng trên 76.000 lượt hành khách. Cảng hàng không quốc tế Phú Bài có khoảng 330 chuyến bay đi và đến với khoảng 59.400 lượt khách. …
Ước tính trong dịp lễ Quốc khánh, ngành đường sắt đã phục vụ khoảng 130.000 lượt hành khách đi tàu, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Trong ngày cao điểm nhất (30/8) đã có 10 chuyến tàu trên tuyến Bắc – Nam: 5 chuyến Hà Nội – Sài Gòn, 1 chuyến Hà Nội – Đà Nẵng, 2 chuyến Hà Nội – Đồng Hới, 2 chuyến Hà Nội – Vinh.
Ngoài ra, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường thêm các đoàn tàu từ Hà Nội đi Lào Cai, Hải Phòng và dự trù sẵn sàng chạy thêm các đoàn tàu giữa TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết. Lượng khách đến Đà Nẵng bằng đường sắt đạt khoảng 10.678 lượt, tăng 42,43% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng tuyến tàu du lịch Kết nối di sản miền Trung Huế – Đà Nẵng có khoảng 3.500 khách đăng ký đi trong dịp lễ.
Tour nước ngoài hút khách Việt
Trong 4 ngày nghỉ lễ (từ 31/8 – 3/9/2024), ước tính ngành du lịch cả nước đã phục vụ khoảng 3,0 triệu lượt khách du lịch (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023). Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 56% (tăng 1,85% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023), riêng 2 ngày 1 và 2/9/2024 công suất đạt trên 60%.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng nêu rõ những hạn chế. Trong đó, giá vé máy bay cao khiến giá tour nội địa cao, dẫn đến một bộ phận khách chọn đi du lịch nước ngoài. Cụ thể, tour outbound (du lịch nước ngoài) chia sẻ bớt lại thị phần khách nội địa với lượng tour khởi hành lớn và điểm đến đa dạng. Tại một số đơn vị lữ hành lớn đã ghi nhận số lượng tour đặt đi nước ngoài cao hơn so với tour nội địa. Các điểm đến thu hút đông khách du lịch Việt gồm Bangkok (Thái Lan), Bali (Indonesia), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc).
Đáng lưu ý, điểm đến Campuchia và Lào được du khách Việt quan tâm nhiều do thời gian tour phù hợp và giá không quá cao. Tour đi Trung Quốc bằng đường bộ và đường không tới các điểm đến Phượng Hoàng cổ trấn, Côn Minh, Đại Lý, Lệ Giang, Bắc Kinh, Thượng Hải… thu hút đông khách Việt bởi sự đa dạng tuyến điểm, mức giá phù hợp với mọi đối tượng khách, các cửa khẩu đường bộ được mở rộng và áp dụng công nghệ thông quan nhanh chóng, số lượng các chuyến bay charter gia tăng…
Ngoài ra, công suất phòng trung bình tại một số trọng điểm du lịch không tăng tương ứng với lượng khách đến. Nguyên nhân là do khách lựa chọn đi gần và đi tự túc, khách nội tỉnh chiếm phần lớn nên không lưu trú qua đêm. Kỳ nghỉ lễ sát với ngày tựu trường, khách nội địa vừa trải qua kỳ du lịch hè nên nhiều khách lựa chọn sum họp gia đình trong dịp nghỉ lễ.
Tổng thu du lịch không tăng tương ứng với lượng khách do xu hướng thắt chặt chi tiêu, sức mua thấp, cắt giảm chi phí phương tiện công cộng… Tình trạng ùn, tắc cục bộ tại các điểm du lịch Sapa, Tam Đảo, nội đô TP. Nha Trang, trên các tuyến đường ra vào các thành phố lớn; tình trạng chậm chuyến bay trong ngày đầu và ngày cuối kỳ nghỉ lễ vẫn diễn ra.
Ngoài ra, “dù đã chủ động xây dựng và làm mới sản phẩm nhưng việc tổ chức các loại hình, sản phẩm du lịch một số nơi chưa phong phú, các điểm vui chơi giải trí chưa có nhiều dịch vụ đặc sắc, hấp dẫn du khách“- theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam.
Nguồn: congthuong.vn