Nhằm khơi dậy các ý tưởng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên đang được Trường Đại học Điện lực đẩy mạnh.
Sáng ngày 28/9 tại Hà Nội, Trường Đại học Điện lực (EPU) đã tổ chức Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học ngành Công nghệ thông tin (CNTT). Đây là lần đầu tiên hội nghị về công nghệ thông tin quy mô cấp khoa dành cho sinh viên khoa công nghệ thông tin của EPU được tổ chức với sự tham gia của một số trường đại học kỹ thuật, công nghệ hàng đầu tại Hà Nội.
Toàn cảnh hội nghị |
Hội nghị có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Lê Cường – Phó Hiệu trưởng EPU; cùng đại diện các trường: Trường Đại học FPT; Trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội; Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế, Kỹ thuật – Công nghiệp, Trường Đại học Kiến trúc, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội… và sự đồng hành của các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và gần 200 đại biểu là cán bộ giảng viên, sinh viên khoa Công nghệ thông tin, lãnh đạo, cán bộ giảng viên các đơn vị trực thuộc trường tham dự.
Phát biểu chào mừng hội nghị, PGS.TS Nguyễn Lê Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực – cho biết: Đây là một sự kiện đặc biệt, bởi dù chỉ là lần đầu tiên tổ chức, hội nghị đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực công nghệ thông tin và đông đảo các em sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học của nhà trường và từ hơn 10 cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin tham gia.
PGS.TS Nguyễn Lê Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực |
“14 báo cáo của các nghiên cứu sinh và 12 báo cáo của các em sinh viên đại học, tất cả đều xoay quanh những chủ đề thời sự và có tính ứng dụng cao như: Công nghệ xử lý dữ liệu lớn, học máy, học sâu, và trí tuệ nhân tạo. Đây đều là những lĩnh vực đóng vai trò then chốt trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, mở ra nhiều hướng phát triển mới cho khoa học và công nghệ”- PGS.TS Nguyễn Lê Cường cho hay.
PGS.TS Nguyễn Lê Cường khẳng định: Sự tham gia nhiệt tình của các nhà khoa học, các giảng viên và các em sinh viên từ nhiều cơ sở đào tạo không chỉ thể hiện tinh thần hợp tác, mà còn phản ánh niềm đam mê, nhiệt huyết trong việc khám phá những tri thức mới và cống hiến cho sự phát triển của ngành công nghệ thông tin. Điều này cũng thể hiện nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học trong nâng cao chất lượng đào tạo của thầy trò khoa Công nghiệ thông tin, đồng thời cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của phong trào nghiên cứu trong nhà trường nói chung và khoa Công nghiệ thông tin nói riêng.
Chia sẻ bên lề hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Hà Nam – Phụ trách khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Điện lực – cho biết: Khoa Công nghiệ thông tin là khoa mũi nhọn của EPU, công tác nghiên cứu khoa học trong sinh viên được nhà trường chú trọng. Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra hiện nay, chúng tôi nhận thấy cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, với sự chỉ đạo và khuyến khích từ Ban lãnh đạo nhà trường, công tác nghiên cứu khoa học tại các khoa của EPU đã thực sự trở thành phong trào. Với sự hỗ trợ từ nhà trường, từ đội ngũ cán bộ giảng viên, các sinh viên có động lực và có điều kiện thuận lợi hơn trong việc phát triển ý tưởng sáng tạo, tham gia nghiên cứu khoa học.
PGS.TS. Nguyễn Hà Nam – Phụ trách Khoa công nghệ thông tin |
“Hội nghị lần này là bước khởi đầu trong các hoạt động của khoa cũng như của nhà trường để giúp sinh viên có môi trường giao lưu, chia sẻ, trình bày các nghiên cứu, ý tưởng, thể hiện sự đam mê của mình trong nghiên cứu khoa học“- PGS.TS Nguyễn Hà Nam cho hay.
Theo PGS.TS Nguyễn Hà Nam, EPU cũng tham gia Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) ở cấp nhà trường, nhà trường đã tổ chức nhiều sự kiện chia sẻ, phổ biến các nội dung của đề án. Qua đó, thúc đẩy sinh viên tham gia vào các cuộc thi, các chương trình nghiên cứu khoa học, để giúp sinh viên hiểu biết hơn thế nào là nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, cách thức để tham gia vào lĩnh vực này. Ông cũng khẳng định, đây là lĩnh vực mới không chỉ đối với sinh viên mà còn đối với các doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học.
“Hội nghị khoa học là cơ hội để cho sinh viên hiểu được thế nào là đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Cùng với đó, các em cũng được những cán bộ giảng dạy có kinh nghiệm trong thực tiễn đến từ các cơ sở đào tạo công nghệ hàng đầu hiện nay hướng dẫn, giúp các em có định hướng rõ ràng hơn trong công tác nghiên cứu khoa học, phát triển các ý tưởng về đổi mới, khởi nghiệp từ đó có thể tham gia trực tiếp vào Đề án 844”- PGS.TS Nguyễn Hà Nam nhấn mạnh.
Với định hướng phát triển thành đại học ứng dụng, do vậy hoạt động hợp tác với doanh nghiệp được EPU thúc đẩy mạnh mẽ, tất cả các khoa đều có sự hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, cử sinh viên đi thực tập dài hạn ở các doanh nghiệp. Riêng khoa Công nghệ thông tin với đặc thù ngành nên lãnh đạo khoa đã có giải pháp phối hợp với các nghiên cứu viên và các doanh nghiệp để cùng xây dựng đề tài, qua thực tế sẽ giúp sinh viên được trải nghiệm có thêm kỹ năng mềm để có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
PGS.TS Nguyễn Hà Nam chia sẻ thêm: Thông qua hội nghị lần này, chúng tôi cũng đưa các dự án, đề án phối hợp với doanh nghiệp để trình bày trước hội nghị, những sinh viên chưa tham gia thì có cơ hội để hiểu và từng bước tiếp cận, các sinh viên tham gia rồi sẽ có thêm động lực để vươn xa hơn trong công tác học tập, nghiên cứu.
Lãnh đạo khoa Công nghệ thông tin kỳ vọng qua hội nghị, khoa sẽ phát triển được mạng lưới nghiên cứu khoa học với sinh viên trong trường và đơn vị nghiên cứu đào tạo, doanh nghiệp ngoài trường để giúp cho sinh viên có thể gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ các ý tưởng, nghiên cứu của mình cũng như tìm kiếm cơ hội trong các hoạt động đào tạo, tập huấn tại các đơn vị ngoài nhà trường.
“Những hoạt động như thế này nếu được duy trì sẽ là cơ hội giúp cho sinh viên phát triển kỹ năng nghiên cứu khoa học, nghề nghiệp trong tương lai”- PGS.TS Nguyễn Hà Nam khẳng định.
PGS.TS Đinh Văn Châu tại hội nghị khoa học trình bày các giải pháp cho các bài toán đặt hàng của doanh nghiệp do EPU thực hiện vào tháng 6/2024 |
Trước đó, chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, PGS.TS Đinh Văn Châu – Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực – cho biết: Thực hiện chiến lược phát triển khoa học và công nghệ gắn kết với thực tiễn sản xuất và đào tạo, các đề tài khoa học và công nghệ được EPU triển khai trong năm học vừa qua đều là những đề tài có tính khoa học, gắn kết với thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh trong và ngoài ngành điện; có tính ứng dụng cao, có khả năng thương mại hoá hoặc áp dụng vào thực tiễn tại Trường Đại học Điện lực.
“Số lượng đề tài tăng so với năm trước là do chính sách thu hút sinh viên thực hiện đề tài cấp trường, theo đó số lượng sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học tăng đáng kể so với trước đây”- PGS.TS Đinh Văn Châu nhấn mạnh.
Với triết lý “giáo dục toàn diện, vững nền tảng, bền tương lai” cùng mục tiêu lâu dài và bền vững của Trường Đại học Điện lực là trở thành trường đại học theo ứng dụng hàng đầu Việt Nam, mô hình tự chủ toàn diện, hội nhập với nền giáo dục tiên tiến khu vực và quốc tế. Người học được đào tạo toàn diện, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động, có khả năng học tập suốt đời, có năng lực sáng tạo và khởi nghiệp. Kết quả nghiên cứu khoa học đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nguồn: congthuong.vn