Để tạo lợi thế cạnh tranh, ngành du lịch cần xây dựng được những sản phẩm mới, tour độc lạ, nhưng cần phù hợp văn hóa.
Hiện trên nền tảng mạng xã hội Tik Tok đang xuất hiện video khách du lịch tham quan nghĩa trang do tài khoản cá nhân đăng tải với nội dung “Chuyện cười tây đi du lịch ở nghĩa địa chịu mấy ông hướng dẫn viên du lịch” gây tò mò và khiến không ít người bất ngờ.
Theo đó, trong video trên, hình ảnh đoàn khách du lịch quốc tế đứng ngồi, cười nói vui vẻ và còn chụp ảnh tại nghĩa trang. Trước hình ảnh của đoàn khách du lịch, lời bình trong video thể hiện thái độ ngạc nhiên và bình luận rằng: Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam khám phá các di tích văn hoá, sao hướng dẫn viên lại đưa du khách đến nghĩa trang?
Khách du lịch quốc tế tìm hiểu văn hoá Việt Nam tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh: V.T |
Thực tế, việc khách du lịch quốc tế tham quan nghĩa trang ở địa phương không phải là điều mới. Trước đó, vào năm 2023, trên mạng xã hội cũng xuất hiện video phản ánh một đoàn khách Hungary tham quan, tìm hiểu nghĩa trang. Theo nội dung video đăng tải, lúc trên đường đến Ninh Bình du khách nhìn thấy khu nghĩa trang nên đã “đòi” hướng dẫn viên dẫn vào tham quan. Họ bày tỏ sự lạ lẫm, trầm trồ với kiến trúc lăng mộ của Việt Nam. Ngoài ra, đoàn khách chia sẻ đây là trải nghiệm ấn tượng nhất, họ rất vui khi được biết thêm một phong tục của người Việt.
Thông tin từ hướng dẫn viên của đoàn thời điểm đó, dù đã chuẩn bị rất nhiều điểm đến độc lạ cho khách, song tham quan nghĩa trang vẫn là hoạt động ngoài sức tưởng tượng. Nhiều người khi xem video về đoàn khách Hungary thăm nghĩa trang cũng nhận xét, đây là một trải nghiệm du lịch “có một không hai”.
Chia sẻ với Báo Công Thương, ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á cho rằng, việc đoàn khách du lịch quốc tế thăm nghĩa trang trong video đăng tải trên mạng xã hội Tiktok (@sư_thich_minh_tue1) cũng giống như việc ta thăm khu nhà mồ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Mỗi một góc nhìn có những giá trị văn hóa khác biệt, ví dụ như các kiến trúc lăng mộ của khu vực Huế rất ấn tượng và mang một nét kiến trúc cổ kính và nghệ thuật.
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Hải Quỳnh, thời gian qua, chúng ta đã làm rất nhiều hành trình về nguồn, thăm và tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ ở các nghĩa trang như nghĩa trang Trường Sơn, Ngã ba Đồng Lộc, mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mộ chị Võ Thị Sáu…
Video khách du lịch tham quan nghĩa trang đăng trên tài khoản cá nhân TikTok (@sư_thich_minh_tue1). Ảnh chụp từ màn hình |
Tuy vậy, theo ông Phạm Hải Quỳnh, trải nghiệm này rất ý nghĩa nhưng xét về góc độ tâm linh và phong tục tập quán thì không phải ở đâu, địa phương nào cũng đồng ý để du khách đến và làm phiền nơi yên nghỉ của người thân trong gia tộc của họ.
Đối với ngành du lịch Việt Nam, thời gian qua đã có một bước phát triển khá ấn tượng và đang hướng tới ngành kinh tế mũi nhọn. Song, một trong các điểm nghẽn của du lịch Việt Nam vẫn là sản phẩm du lịch nghèo nàn, các địa phương đều có sản phẩm na ná nhau, gây sự nhàm chán đối với du khách.
Do vậy, để tháo gỡ, khơi thông điểm nghẽn, tạo lợi thế cạnh tranh cho du lịch đòi hỏi phải thiết kế, xây dựng được các chương trình, sản phẩm mới lạ, độc đáo dựa trên các giá trị văn hoá bản địa, đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm của du khách.
Một trong những thuận lợi hiện nay đó là mỗi một địa phương, điểm đến đều chứa đựng trong đó câu chuyện gắn liền những giá trị văn hóa khác biệt để xây dựng, tổ chức các sản phẩm, chương trình dành cho du khách. Tuy nhiên, có không ít ý kiến cho rằng, điều quan trọng là có biết “kể” câu chuyện ấy bằng những trải nghiệm hấp dẫn, thú vị, nếu kể không chính xác thì câu chuyện văn hóa rất dễ trở thành sản phẩm lỗi, phản cảm.
Vì thế, để có được những sản phẩm du lịch đủ lôi cuốn dựa trên khai thác yếu tố văn hóa bản địa, một số ý kiến cho rằng đòi hỏi phải có sự đầu tư, nghiên cứu và vận hành bài bản; có sự vào cuộc của những người làm du lịch, chính quyền, đơn vị quản lý điểm đến, cộng đồng địa phương và các chuyên gia văn hóa lịch sử. Qua đó, góp phần cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan để bảo đảm phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc và bền vững.
Trên tinh thần đó, việc thiết kế tour, đưa khách quốc tế tham quan nghĩa trang tại các địa phương, theo ông Phạm Hải Quỳnh, nếu các công ty du lịch chú ý và chia sẻ sự khác biệt của phong tục tập quán, văn hóa thờ cúng tưởng nhớ đến người đã khuất hay các kiến trúc mang tính nghệ thuật khác biệt, từ đó tạo thành những lựa chọn trong tour hay mở cho du khách thì vẫn có thể đưa vào. Xong, cần tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng, trong đó cần tính tổ chức ở đâu, như thế nào và mang lại giá trị gì cho du khách.
“Các doanh nghiệp du lịch cần lưu ý nơi có sự khác biệt thật sự để xây dựng chương trình, mang tới cho du khách những trải nghiệm phù hợp. Đặc biệt, khi tiến hành tổ chức thành một hành trình tour phục vụ du khách phải xin ý kiến địa phương, cộng đồng dân cư nơi có mộ phần an nghỉ” – ông Quỳnh ý kiến.
Nguồn: congthuong.vn