Trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu thời trang tại Việt Nam hứa hẹn trở thành cánh cửa vàng, đưa ngành dệt may và da giày nước nhà vươn tầm thế giới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng chủ trì Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 8/2024.
Dệt may – Da giày đang đứng trước nhiều vấn đề bức thiết
Đánh giá tầm quan trọng của ngành dệt may, tại Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 8 năm 2024, ngày 5/6, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam cho hay, theo báo cáo của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) 2020 và tạp chí World Footwear, năm 2022, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng dệt may, da giày lớn thứ hai thế giới.
“Ngành dệt may và da giày là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, xuất khẩu dệt may và da giày đã trở thành một trong những động lực tăng trưởng kinh tế của đất nước. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của 2 ngành đạt hơn 70 tỷ USD, xuất khẩu chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và tạo ra công ăn việc làm cho gần 5 triệu lao động, chiếm 22% lao động ngành công nghiệp Việt Nam” – bà Xuân nêu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng chủ trì Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 8/2024. Ảnh: Ngọc Hoa |
Chia sẻ thêm tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh cho biết, mặc dù kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may – da giày chiếm tỷ lệ cao trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, nhưng giá trị đóng góp của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế. “Thực tế cho thấy, ngành dệt may – da giày Việt Nam vẫn tập trung ở khâu gia công, tạo giá trị gia tăng thấp. Nguồn nguyên, vật liệu và phụ kiện chủ yếu nhập khẩu từ thị trường ngoài nước (Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN khác)”, ông Phạm Tuấn Anh chỉ rõ.
Chỉ ra nguyên nhân, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam: “Một trong những nguyên nhân chính là ngành công nghiệp hỗ trợ cung ứng nguyên phụ liệu cho dệt may và da giày chưa phát triển; sự mất cân đối trong các công đoạn sản xuất trong ngành dệt may, da giày khi mạnh về khâu gia công xuất khẩu nhưng lại thiếu tập trung ở khâu nguyên phụ liệu. Hiện nay, phần lớn nguyên liệu sản xuất phục vụ xuất khẩu được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN, để đáp ứng tỷ lệ xuất xứ nội khối theo yêu cầu của các FTA là một trở ngại lớn”.
Ngành Dệt may – Da giày đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Ảnh minh hoạ |
Bên cạnh đó, bà Phan Thị Thanh Xuân cũng chỉ ra lý do thị trường cung ứng nguyên phụ liệu chủ yếu do khách hàng chỉ định là ngoài hai tiêu chí bắt buộc là chất lượng và giá cả, nhãn hàng phải đảm bảo các công ty cung ứng nguyên phụ liệu không vi phạm trách nhiệm xã hội, môi trường để tránh rủi ro.
“Thị trường kinh doanh giao dịch mua bán nguyên phụ liệu dệt may-da giày tại Việt Nam hầu như không có. Chỉ có một vài chợ bán nguyên phụ liệu hộ gia đình phục vụ cho kinh doanh nhỏ lẻ của thị trường nội địa. Các nhà máy nhập khẩu nguyên phụ liệu theo chính sách ưu đãi miễn thuế nhập khẩu đầu vào nên chủ yếu chỉ dành cho sản xuất. Những nhà máy có sản xuất nguyên phụ liệu cũng chỉ đủ cung ứng cho nhu cầu sản xuất sản phẩm xuất khẩu của chính nhà máy mình. Ngoài ra là các chính sách khác có khả năng tác động cao đến ngành là chính sách tính thuế cacbon với hàng hóa nhập khẩu vào EU, thuế tối thiểu toàn cầu” – bà Xuân cho hay.
Cần có trung tâm cung ứng nguyên, phụ liệu ngành thời trang
Để gỡ khó cho ngành, đồng thời nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc thành lập Trung tâm thương mại quốc tế và phát triển nguyên, phụ liệu thời trang, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, việc đề xuất thành lập Trung tâm không phải là vấn đề mới, song đến nay việc triển khai vẫn chưa thành công. Đơn cử, một số doanh nghiệp đã đầu tư, xây dựng nguyên phụ liệu nhưng chưa thu được kết quả cao, có đơn vị phải đóng cửa sau một thời gian hoạt động.
Do vậy, từ kinh nghiệm của một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, ông Trương Văn Cẩm kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách, nguồn lực, đất đai giúp các doanh nghiệp ổn định đầu tư, chuyển giao công nghệ cũng như đẩy mạnh việc giao dịch giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Ngọc Hoa |
Đánh giá cao Cục Xúc tiến thương mại cũng như đề xuất của Hiệp hội Da Giày, Túi xách Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Việt Nam khi đặt vấn đề với Bộ Công Thương về việc thành lập Trung tâm thương mại quốc tế và phát triển nguyên, phụ liệu da giày, túi xách và dệt may, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng: “Việc xây dựng Trung tâm thương mại quốc tế và phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang là vấn đề đáng lẽ phải làm từ rất lâu nhưng giờ vẫn chưa làm được. Vì thế, chúng ta cần đẩy mạnh triển khai nhanh việc xây dựng đề án một cách cụ thể, gồm các giai đoạn hoạt động, kiến nghị cơ chế chính sách…”.
Mặc dù, ngành da giày- dệt may Việt Nam đã có chỗ đứng quan trọng trên bản đồ thế giới, đặc biệt giải quyết được vấn đề sinh kế của người dân, tuy nhiên, ngành hàng này đang chịu sự cạnh tranh từ nhiều nước, đặc biệt những thách thức từ xu hướng tiêu dùng xanh, quy định mới của một số thị trường nhập khẩu. Chúng ta không thể gia công mãi được mà cần làm chủ nguồn nguyên phụ liệu và các khâu thiết kế.
Do đó, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị giao cho Hiệp hội da giày là cơ quan chủ trì, kết hợp với Hiệp hội dệt may và các hiệp hội khác viết đề án rõ ràng hơn. Trong đề án chia ra các giai đoạn cụ thể.
Giai đoạn đầu tiên – giai đoạn tiền khả thi, nghiên cứu mô hình và định hướng cho tương lai như thế nào. Đề án cần viết rõ mong muốn và chia thành các giai đoạn thực hiện. Điều quan trọng nhất là xác định về thẩm quyền, lúc nào của hiệp hội, lúc nào của Bộ, lúc nào của địa phương.
Về nguồn lực, đề nghị Hiệp hội da giày chủ động. Về cơ chế chính sách đào tạo nguồn nhân lực cần nghiên cứu rất rõ, rất kỹ, với các ý tưởng cần đề xuất thêm những chính sách gì.
Hiện nay Bộ Công Thương có hệ thống các trường, việc đào tạo ra nguồn nhân lực không hề khó nhưng đào tạo như thế nào và phối hợp với các địa phương ra sao, rất cần đề xuất cụ thể.
Tiếp tới, Thứ trưởng Thắng cũng giao cho Cục Công nghiệp là đơn vị chủ trì. Trong đó, đề nghị các vụ thị trường trong nước, ngoài nước, cùng với Cục xuất nhập khẩu, phòng vệ thương mại,… tập hợp lại các góp ý để sớm thành lập Trung tâm.
Về phía các Thương vụ nước ngoài, cần góp ý, đề xuất các mô hình làm tốt của nước bạn và tham mưu cho nước nhà để sớm phát triển Trung tâm thương mại quốc tế và phát triển nguyên, phụ liệu da giày, túi xách và dệt may.
Nguồn: congthuong.vn