Các doanh nghiệp nội địa đã chạy đua không ngừng nghỉ để đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, nhân sự và trang thiết bị phục vụ tiến độ dự án.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc khảo sát tại tuyến cao tốc Khánh Hoà – Buôn Mê Thuột vào trung tuần tháng 8 vừa qua. Ngay thời điểm thị sát, Tây nguyên đang trong mùa mưa và có sự thay đổi thời tiết vô cùng khắc nghiệt, mưa kéo dài ở các vị trí thi công làm tiến độ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thế nhưng, các cung đường ở đây vẫn đảm bảo được chất lượng và thời gian thi công. Để khích lệ tinh thần của các đơn vị đang tiến hành xây dựng cao tốc, Thủ tướng đã phát động “Chiến dịch 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc” với sự kết nối của 14 điểm cầu từ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đường bộ cao tốc đang triển khai. Thủ tướng nhấn mạnh: “Trong mọi trường hợp khó khăn, vướng mắc, trở ngại, các lực lượng tham gia dự án cần đồng tâm hiệp lực “chỉ bàn làm không bàn lùi”, “Không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm”.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện tuyến cao tốc Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột |
Trong thời gian qua, cùng với tiến độ xây dựng hệ thống cao tốc Việt Nam, tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột đã có những bước tiến khi công trình vượt tiến độ, hoàn thành lắp những dầm cầu đầu tiên. Hiện tại dự án đang tiến hành thi công dầm ngang và bản mặt các cầu, đại diện đơn vị thi công, ông Vũ Đình Tân – Phó Giám đốc Trungnam E&C đã chia sẻ “Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có chiều dài khoảng 117,5km nối tỉnh Khánh Hòa – Đắk Lắk. Điểm đầu từ nút giao giữa Quốc lộ 26 B và Quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối giao cắt tại km12+450 đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, Trungnam EC là nhà thầu thi công gói xây lắp thành phần 03 có chiều dài 4,72km, các hạng mục khó khăn nhất đã được chúng tôi hoàn thành vượt tiến độ đề ra, mặc dù thời tiết lúc này tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng có nhiều chuyển biến khó đoán với lượng mưa lớn, kéo dài và bất chợt hơn mọi năm, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thi công.”
Hiện tại các dự án cao tốc và hạ tầng đang trong giai đoạn chạy hết tốc lực nhằm đảm bảo tiến độ về đích; đặc biệt trong giai đoạn thời tiết có nhiều diễn biến bất thường trên cả nước, khan hiếm nguồn nguyên vật liệu cung ứng, cũng như cuộc chạy đua về tiến độ giải phóng mặt bằng. Thời gian tới đây, khi dự án cao tốc toàn tuyến hoàn thiện thì đây sẽ là một sự nâng cấp đồng bộ tạo nên bộ mặt mới cho hạ tầng quốc gia. Hiện tại, hầu hết các dự án cao tốc đều được các doanh nghiệp trong nước đảm nhận, nguồn nhân lực tại khu vực được tận dụng tối đa cho thấy một bước tiến của công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước bằng sức vóc, trí tuệ Việt trong từng công trình, dự án. Đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp Việt bước lên vị thế mới, nắm giữ những vị trí quan trọng để thực hiện các mục tiêu hoàn thiện về hạ tầng.
Các công nhân TNEC trên công trường cao tốc tuyến Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột ngày đêm thi công |
Thời gian qua, các đơn vị nội địa như Tập đoàn Sơn Hải, Tập đoàn Đèo Cả, Trungnam E&C, … đã chạy đua không ngừng nghỉ để đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, nhân sự và cả trang thiết bị phục vụ tiến độ dự án. Hầu hết các doanh nghiệp này đều tận dụng mọi nguồn lực và năng lực vốn có với các dự án trước đó để đảm nhiệm loạt dự án mới với sự đòi hỏi cao về chất lượng và tiến độ thực hiện.
Với kinh nghiệm và khả năng thực hiện các dự án quy mô lớn và trên nhiều dạng địa hình, thời tiết khắc nghiệt từ trước tới nay, Trungnam E&C đã có không ít các dự án về đích vượt tiến độ, đặc biệt là về trước tiến độ nhờ nỗ lực 3 ca 4 kíp, hoạt động liên tục trên các công trình, bất kể các dịp lễ tết. Đại diện Trungnam E&C chia sẻ “Trungnam E&C là công ty con thuộc hệ sinh thái của Trungnam Group, do đó chúng tôi kế thừa nguyên vẹn các năng lực đó. Các dự án tiêu biểu gần đây được Trungnam E&C đã và đang triển khai thành công tại khu vực miền Tây như: cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2 hay các dự án NLTT mà Trungnam E&C là tổng thầu EPC như dự án TBA 500kv tại nhà máy ĐMT Thuận Nam ở Ninh Thuận, dự án điện gió EaNam ngay tại Đắk Lắk này… tất cả đều là những dự án lớn nhất Việt Nam tại thời điểm bắt đầu triển khai, hiện đã đi vào hoạt động và đều đóng góp một phần nhất định vào sự phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương.”
Cầu Mỹ Thuận 2 – Công trình trọng điểm quốc gia hoàn thành đúng tiến độ |
Nhà máy ĐMT Thuận Nam – kết hợp TBA và đường dây 500kv lad dự án có công suất lơn nhất tại thời điểm thi công |
Với sự đa dạng trong các hạng mục thi công, các doanh nghiệp nội địa đang chứng minh được năng lực cạnh tranh và giá trị cốt lõi trong quá trình thi công các dự án trọng điểm. Đây cũng là điều tạo nên vị thế riêng, khẳng định trên những dự án thực tế, đã hoàn thành và tạo ra giá trị trong sự phát triển kinh tế – xã hội. Song song với các tuyến cao tốc đang được xây dựng trên khắp các tỉnh thành là các công trình hạ tầng trọng điểm như cảng, sân bay. Đặc biệt, với công trình mang tầm vóc quốc gia là sân bay Long Thành, các nhà đầu tư trong nước cũng đã tạo ra các liên minh để đảm nhận những hạng mục quan trọng. Trong niềm tự hào khi đang thực hiện đúng tiến độ của các dự án giao thông, đại diện của Trung Nam E&C cũng đã hào hứng chia sẻ công ty đang tham gia đấu thầu gói thầu 4.8 thuộc dự án sân bay Long Thành với các hạng mục: Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị, lập thiết kế bản vẽ thi công công trình giao thông nội cảng và hạ tầng kỹ thuật cảng hàng không.“Các yêu cầu của gói thầu là thế mạnh của Trungnam E&C khi chúng tôi có gần 2 thập kỷ chuyên môn trong việc triển khai thực hiện các dự án mang tầm vóc và tất cả đều đạt kết quả như kì vọng. Hơn thế, việc đảm đương những dự án này không chỉ là lợi ích kinh doanh mà đối với chúng tôi đó là sứ mệnh của một doanh nghiệp Việt, cùng đồng hành với Chính phủ trong thời kỳ mới, góp công sức đưa hình ảnh Việt Nam vươn tầm xa, thông qua những công trình qui mô, hiện đại được xây dựng bởi bàn tay và khối óc của người Việt.” ông Vũ Đình Tân – Phó giám đốc Trungnam E&C cho biết.
Với tâm huyết và sự nỗ lực của một thế hệ người Việt hiện đại, có nhiệm vụ xây dựng và kiến tạo đất nước trong thời kỳ phát triển mới, chúng ta tự tin rằng, con đường phấn đấu để có một vị thế mới trên trường quốc tế được bắt đầu từ những nền tảng rất cơ bản về con người và các giá trị được tạo dựng nên bởi nguồn nội lực vốn có. Như lời Thủ tướng đã chỉ đạo: “Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong ba khâu đột phá chiến lược, trong đó phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng, tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tạo nền móng vững chắc cho đất nước phát triển”. Với niềm tin chắc rằng, một ngày không xa, bộ mặt hạ tầng, giao thông của Việt Nam sẽ được hoàn thiện bằng bàn tay, khối óc của những người Việt. Một thế hệ đảm đương được trách nhiệm lớn lao trong sứ mệnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2030.
Nguồn: congthuong.vn