Sau 15 năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai, nhiều hoạt động đã được tổ chức nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng hàng Việt.
Nhiều giải pháp kết nối cung cầu
Để nâng tỷ lệ hàng Việt Nam tại các kênh phân phối, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy sử dụng hàng Việt.
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có 12 hội chợ, phiên chợ thương mại, phiên chợ hàng Việt về khu, cụm công nghiệp được tổ chức. Trong đó, Sở Công Thương Đồng Tháp phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh tổ chức 4 phiên chợ “Hàng Việt về khu, cụm công nghiệp”, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm cho công nhân, viên chức, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bình quân mỗi phiên chợ có sự tham gia khoảng 60 gian hàng của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, cung cấp nhiều mặt hàng thiết yếu với giá ưu đãi, thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia mua sắm hàng hóa.
Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn thu hút nhiều người tiêu dùng tham gia (Ảnh: TTXVN) |
Đơn cử, cuối tháng 5 vừa qua, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp tổ chức Phiên chợ hàng Việt về Cụm công nghiệp Bình Thành, huyện Thanh Bình.
Phiên chợ đã tạo điều kiện để đoàn viên, người lao động tiếp cận và sử dụng các sản phẩm hàng hoá có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng với giá thành hợp lý của trên 30 nhà sản xuất, nhà phân phối tại TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận và của tỉnh Đồng Tháp, với 60 gian hàng, hơn 100 mặt hàng thiết yếu giảm giá từ 10 – 35% và nhiều quà tặng thiết thực nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của đoàn viên, người lao động và nhân dân.
Phiên chợ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 29 đến ngày 31/5/2024. Tham gia phiên chợ, ngoài việc tham quan, mua sắm hàng hoá có chất lượng, với giá ưu đãi, đoàn viên, người lao động và nhân dân còn được nâng cao đời sống văn hoá tinh thần thông qua việc tham quan các gian hàng ẩm thực, thưởng thức đặc sản của địa phương và chương trình văn nghệ giao lưu do chính các đoàn viên, người lao động biểu diễn.
Song song với đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh còn phối hợp với các thành viên vận động các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam; vận động các tổ chức, cá nhân gương mẫu sử dụng hàng Việt trong mua sắm, trong sinh hoạt hàng ngày.
Các sở, ngành chức năng của tỉnh luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường hoạt động kết nối giữa các cơ sở khởi nghiệp với doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các hoạt động như: Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024, tại Lễ hội tổ chức lễ công bố lô Sen Đồng Tháp xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; Tuần hàng Sen tại hệ thống Siêu thị GO!; tổ chức Livestream giới thiệu, bán các sản phẩm từ sen trên các sàn thương mại điện tử; Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp gắn với kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; Hội chợ Công Thương vùng đồng bằng sông Cửu Long Đồng Tháp năm 2024…
Thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt từ Điểm bán hàng Việt Nam
Điểm bán hàng Việt Nam là một trong những địa điểm uy tín giúp tiêu thụ hàng Việt Nam hiệu quả được các địa phương triển khai trong thời gian qua. Theo đó, trong năm 2023, Sở Công Thương Đồng Tháp đã tiến hành khảo sát và hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, tại Cửa hàng Vinh Quang, Ki ốt số 1, 2 chợ An Phước, xã An Phước, huyện Tân Hồng.
Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, việc xây dựng Điểm bán hàng là cơ hội để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam tiếp cận với đông đảo người tiêu dùng. Qua điểm bán hàng này, các doanh nghiệp, cơ sở tại địa phương quảng bá sản phẩm, giới thiệu thương hiệu, đồng thời nâng cao doanh số bán hàng. Mô hình còn góp phần tạo thuận lợi cho việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của địa phương và các hàng hóa Việt Nam đến với người tiêu dùng, góp phần đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Với những kết quả tích cực bước đầu, có thể thấy Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” đã góp phần giúp xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam dựa trên tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Sau khi mô hình thí điểm về Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” được triển khai thành công, Sở Công Thương xác định sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình tại các nơi khác trong tỉnh, nhất là tại các khu du lịch và các chợ phù hợp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Nguồn: congthuong.vn