Từ số vốn vài tỷ đồng, vợ chồng doanh nhân Mailisa hô biến cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ thành ‘cỗ máy in tiền’ mang lại cả nghìn tỷ doanh số, hàng trăm tỷ lợi nhuận.
Những ngày qua, công chúng đổ dồn sự chú ý về việc vợ chồng doanh nhân Phan Thị Mai (hay còn được biết đến với biệt danh Mailisa) và Hoàng Kim Khánh tổ chức buổi tiệc tân gia đình đám tại căn “biệt phủ” rộng hơn 4.000m2 tọa lạc ở quận 12, TP. Hồ Chí Minh.
Hình ảnh nguy nga tráng lệ về căn “biệt phủ” mang kiến trúc Á Đông bề thế, càng khiến người xem “mắt tròn mắt dẹp” bởi những dãy nhà ngang dọc, nổi bật với chất liệu gỗ được chạm trổ tinh xảo đến từng chi tiết. Công trình này còn sở hữu khuôn viên rộng lớn, tô điểm là những tiểu cảnh độc đáo như hồ cá, cây cảnh…
Dàn siêu xe của vợ chồng bà Mailisa cũng tranh thủ khoe dáng trong sân biệt phủ (Ảnh minh họa) |
Phía bên trong, nội thất xa xỉ, đắt đỏ cũng là điểm nhấn được công chúng bàn tán, trầm trồ bởi sự đầu tư mạnh tay, sự chăm chút của gia chủ cho tổ ấm của mình.
Trươc đó, ông Hoàng Kim Khánh cũng thường xuyên xuất hiện trên truyền thông với hình tượng đại gia có thú chơi siêu xe nổi tiếng nhất Việt Nam. Bộ sưu tập xe hơi đắt đỏ của ông Khánh ước tính có tổng giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng, bao gồm một số mẫu xe nổi trội như McLaren Senna (trị giá 40 tỷ đồng), Koenigsegg Regera (200 tỷ đồng) và Lamborghini Aventador S (50 tỷ đồng).
Đã xuất hiện nhiều đồn đoán xoay quanh khối tài sản “khổng lồ” mà đôi vợ chồng Mailisa gây dựng được, tuy nhiên, thực hư ra sao hiện vẫn còn khá nhiều tranh cãi.
‘Đế chế làm đẹp’ Mailisa
Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, bà Phan Thị Mai sinh ngày 6/10/1975 tại xã Tân Dân, huyện Đức thọ, tỉnh Hà Tĩnh, là doanh nhân “số má” bậc nhất trong lĩnh vực thẩm mỹ và làm đẹp. Nữ doanh nhân tuổi Ất Mão đã có 2 thập kỷ gắn bó với những tín đồ làm đẹp Việt, thông qua chuỗi trung tâm thẩm mỹ viện mang thương hiệu Mailisa, do bà và phu quân sáng lập, trực tiếp điều hành.
“Mạng lưới” của Mailisa tới nay đã mở rộng lên đến hàng chục chi nhánh, “phủ sóng” rộng khắp các thị trường giàu tiềm năng nhất như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… và thâm nhập cả thị trường “ngách” như Nghệ An hay Đắk Lắk.
Chưa có thống kê chi tiết, đáng tin cậy về quy mô thực sự của “đế chế làm đẹp” Mailisa, song, theo dữ liệu của Báo Công Thương, mỗi năm doanh thu mà “gà đẻ trứng vàng” này mang về cho vợ chồng bà Phan Thị Mai – ông Hoàng Kim Khánh lên tới cả nghìn tỷ đồng. Đó là nguồn gốc sản sinh dòng tiền “khủng” giúp cặp đôi doanh nhân thoải mái đầu tư, chi tiêu mua sắm phục vụ sở thích cá nhân suốt nhiều năm nay.
Quan sát bề nổi của hệ sinh thái Mailisa, dễ dàng phát hiện sự khác biệt so với phần lớn các doanh nhân trong công tác quản trị, vận hành doanh nghiệp là cố gắng tập trung nguồn lực, phát triển một số ít pháp nhân cốt lõi để giao phụ trách mảng miếng kinh doanh cụ thể. Vợ chồng bà Mailisa những năm gần đây chọn phương án phân tán và chia mảnh nguồn vốn, liên tiếp “khai sinh” ra các công ty có tên gọi “na ná” lẫn nhau, chẳng hạn như Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Mailisa (thành lập năm 2023 ở TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Một thành viên Mailisa (lập tháng 7/2023 ở TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, nhưng đến tháng 10/2023 đã ngừng hoạt động và đóng mã số thuế), Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Mailisa (năm 2020, Đà Nẵng), Công ty TNHH Dịch vụ Một thành viên Mailisa (năm 2020, TP. Cần thơ), Công ty TNHH Dịch vụ Mailisa (năm 2018, TP. Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Một thành viên Mailisa (năm 2018, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương), Công ty TNHH Một thành viên Thương mại dịch vụ Mailisa (năm 2018, Hà Nội), Công ty TNHH Thương mại Mailisa (năm 2015, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk)…
Ở các doanh nghiệp đóng vai trò “vệ tinh” này, ông Hoàng Kim Khánh là chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật. Ngược lại, bà Phan Thị Mai sẽ nhận trách nhiệm điều phối tại các doanh nghiệp trọng yếu, trụ cột của hệ thống Mailisa, trong đó, cần kể đến là Công ty TNHH Mai Li Sa, địa chỉ số 86 – 88 – 92 Huỳnh Văn Bánh, phường 15, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.
‘Cỗ máy in tiền’
Như nhiều người đã biết, Huỳnh Văn Bánh là con phố mang đậm kỷ niệm của nữ tướng thẩm mỹ Mailisa, là nơi đầu tiên bà mở tiệm trang điểm, phun xăm thẩm mỹ, chăm sóc da ở số 189 (nay là Thẩm mỹ viện Mailisa), sau những năm tháng vật lộn với cuộc sống đầy rẫy khó khăn và khắc nghiệt, buộc bà phải bươn chải đủ loại nghề, từ công nhân xí nghiệp giày da đến phục vụ quán ăn nọ. Vì vậy, Công ty TNHH Mai Li Sa cũng được xem là “cái nôi” ươm mầm ý tưởng khởi nghiệp cho bà Phan Thị Mai, và là đơn vị “nòng cốt” trong hệ thống.
Để có thể hô biến khối tài sản khiêm tốn khởi đầu tăng trưởng gấp cả nghìn lần, cái hay của bà Mailisa không chỉ nằm ở chỗ tay nghề, với khả năng của một nghệ nhân làm đẹp, thuần thục vận dụng những thiết bị làm đẹp hiện đại nên được khách hàng tin tưởng nô nức kéo đến. Bà Mailisa còn được mệnh danh là người nắm giữ “bí kíp” kinh doanh “vô tiền khoáng hậu” khiến giới doanh nhân không khỏi thèm khát.
Không ít các hoa hậu, Á hậu là khách hàng thân quen của Thẩm mỹ viện Mailisa (Ảnh: Mailisa) |
Vẫn theo tài liệu của Báo Công Thương, Công ty TNHH Mai Li Sa ra đời ngày 20/9/2007, trước năm 2019 đóng chân trên đường Quang Trung, phường 14, quận Gò Vấp – là nơi ở của gia đình bà Mailisa khi đó. Đến tháng 7/2019, doanh nghiệp mới dời “đại bản doanh” về địa chỉ hiện tại.
Đặc biệt, với số vốn điều lệ 1 tỷ đồng cùng số nhân viên theo đăng ký kinh doanh là 10 lao động, Công ty TNHH Mai Li Sa đã vẽ lên những điều “phi thường” suốt nhiều năm qua, và ấn tượng hơn cả là trong năm ngoái, họ đạt mức doanh thu cao nhất lịch sử hoạt động với 307,6 tỷ đồng, tăng trưởng 19% so với năm 2022 (258,2 tỷ đồng). Lũy kế 5 năm gần nhất (2019 – 2023), tổng doanh thu của Công ty TNHH Mai Li Sa đã vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng (trung bình thu 200 tỷ đồng mỗi năm).
Lợi nhuận ròng của Công ty TNHH Mai Li Sa vô cùng tốt, đạt trên 412 tỷ đồng trong cùng khung thời gian nêu trên. Như vậy, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu là hơn 41%, con số đáng kinh ngạc cho thấy cứ 10 đồng thu về, vợ chồng bà Mailisa đã “đút túi” lãi hơn 4 đồng. Mặc dù đã có nhiều hoạt động tái đầu tư, phân phối lợi nhuận hàng năm, tuy nhiên, đến cuối năm 2023 tổng lợi nhuận lũy kế của Công ty TNHH Mai Li Sa vẫn còn tới 154,8 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ có 1 tỷ đồng.
Tương tự, “bàn tay Midas” của vợ chồng bà Phan Thị Mai tiếp tục “trổ tài” ở Công ty TNHH Thương mại Mailisa (tiền thân là Công ty TNHH Thương mại – Thẩm mỹ Mailisa), đơn vị đầu mối hoạt động khu vực TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Dùng số vốn khởi nghiệp 1 tỷ đồng, ông Hoàng Kim Khánh cũng xây dựng Công ty TNHH Thương mại Mailisa thành “cỗ máy kiếm tiền” siêu việt, với doanh thu tăng mạnh từ năm 2019 tới nay, lần lượt đạt 22,5 tỷ đồng, 48 tỷ đồng, 50,8 tỷ đồng, 73 tỷ đồng và 75,2 tỷ đồng (2023).
Họ chuyển đổi được thành 11,8 tỷ đồng, 25,1 tỷ đồng, 19,7 tỷ đồng, 29,1 tỷ đồng và 28,2 tỷ đồng lợi nhuận ròng trong khoảng thời gian này. Vị chi, gần 270 tỷ đồng doanh thu đã mang lại 114 tỷ đồng lợi nhuận cho ông Hoàng Kim Khánh, tương ứng hệ số sinh lời trên 42%, hiệu quả hơn mong đợi so với trường hợp của Công ty TNHH Mai Li Sa.
Vậy, “bí kíp” dẫn đến thành công của vợ chồng bà Phan Thị Mai – ông Hoàng Kim Khánh là gì? Ở góc độ thận trọng, dư luận cũng bày tỏ sự thắc mắc về hiệu suất kinh tế quá lớn của hệ thống Mailisa, bởi ngành làm đẹp dẫu sao cũng là ngành tồn tại sự cạnh tranh gay gắt, quyết liệt giữa các thương hiệu lâu năm. Chẳng hạn như Thanh Hằng Beauty Medi – chuỗi thẩm mỹ được xem là tiên phong trên thị trường Việt Nam, mỗi năm cũng chỉ thu về khoảng hơn trăm tỷ đồng, nhưng phần lớn chỉ lãi “mỏng dẹt” vài chục triệu đồng.
Cho nên, sự đối lập có phần bất thường giữa hai đế chế làm đẹp “Thanh Hằng Beauty Medi Health Care – Skin Clinic” của bà Đặng Thanh Hằng và Mailisa đang khiến nhiều người quan tâm không khỏi băn khoăn, trăn trở.
Nguồn: congthuong.vn