Việc nhiều ao, hồ tại Hà Nội đang bị san lấp, chiếm dụng trái phép ảnh hưởng nghiêm trọng tới không gian văn hóa, môi trường sống.
Từ chuyện nhiều ao, hồ bị lấn chiếm…
Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều ao, hồ nhất cả nước. Mỗi ao, hồ đều có vẻ đẹp và giá trị lịch sử riêng biệt, làm nên một phần hồn cốt của mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. Không gian ao, hồ cũng là những điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tìm hiểu về văn hoá Việt Nam.
Bên cạnh các giá trị về lịch sử và văn hóa, hệ thống ao, hồ của Hà Nội còn có vai trò vô cùng quan trọng trong tạo lập môi trường sống bền vững, duy trì sự cân bằng của khí hậu, giảm thiểu những tác động xấu từ các hiện tượng thời tiết tiêu cực.
Những năm qua, với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ và hiệu ứng nhà kính ngày một gia tăng, ao, hồ cùng với hệ thống cây xanh quanh hồ được ví như những “lá phổi xanh” giúp làm mát, thanh lọc không khí, giảm bụi, giảm tiếng ồn, giảm bức xạ của mặt trời… và tiêu úng, tiêu ngập mỗi khi thành phố phải hứng chịu những đợt mưa lớn. Do đó, việc đảm bảo diện tích ao hồ của Thủ đô không bị sụt giảm giữ vai trò rất quan trọng nhằm đảm bảo một môi trường sống xanh, sạch và bền vững.
Tuy nhiên, trên thực tế, dưới tác động của con người và quá trình đô thị hóa, diện tích ao, hồ của Thủ đô đang ngày càng bị thu hẹp. Các hoạt động san lấp, chiếm dụng trái phép đã khiến không ít ao, hồ biến dạng, thậm chí xóa sổ trên bản đồ.
Theo thống kê gần đây nhất của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn Hà Nội hiện chỉ còn lại 111 hồ với tổng diện tích 1.165 ha. Nhiều diện tích ao hồ đã bị san lấp và lấn chiếm. Chỉ trong vòng hơn 30 năm, tính từ 1990 trở lại đây, tại Hà Nội đã có tới 21 hồ bị xóa sổ, hơn 150 ha diện tích mặt nước hồ “bốc hơi”.
Có thể lấy ví dụ về Hồ Tây, hồ nước lớn nhất trong nội thành Hà Nội. Trước đây, Hồ Tây rộng tới hơn 500 ha, tuy nhiên sau khi kè bờ để làm đường (năm 2010), Hồ chỉ còn khoảng 460 ha.
Hay như sự việc diễn ra hồi cuối năm 2021, gần 100 hộ dân thuộc tổ 11, 12 (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) đã gửi đơn kêu cứu, phản đối và tha thiết xin giữ lại 2 hồ tự nhiên Xuân Quế và Sơn Thủy (hồ Bà Đồ) có diện tích 12.000m2 bị san lấp dự định lấy mặt bằng để phân lô bán nền.
Những ngày gần đây, câu chuyện hồ Đống Đa bị san lấp 6.500m2 diện tích mặt nước lại một lần nữa làm dậy sóng dư luận, khi nhiều người bày tỏ lo ngại số phận hồ này cũng sẽ giống như những ao, hồ khác đã bị hoạt động xây dựng của con người làm biến dạng.
Để trấn an dư luận, đại diện đơn vị thi công cho biết, việc san lấp một phần diện tích hồ Đống Đa chỉ là ‘tạm thời’ và dùng cho mục đích “tập kết vật liệu xây dựng phục vụ thi công”. Đơn vị cũng sẽ “hoàn trả hiện trạng” sau khi đã hoàn thành thi công. Tuy nhiên, với nhiều chuyên gia và người dân sống xung quanh hồ, câu trả lời của đơn vị thi công không đủ thuyết phục.
Bởi trên thực tế, ngay cả những chuyên gia trong xây dựng cũng khẳng định, đơn vị thi công vẫn còn nhiều giải pháp khác có thể áp dụng chứ không phải cứ “khăng khăng” đòi lấp hồ. Vì thế, những nghi ngại về việc hồ Đống Đa bị chiếm dụng, san lấp trái phép vẫn cứ tồn tại.
Phần diện tích 6.500m2 hồ Đống Đa bị đơn vị thi công thuộc Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) san lấp. Ảnh: DT |
… đến sự ngột ngạt trong đời sống đô thị
Trở lại câu chuyện của nhiều ao, hồ tại Hà Nội bị san lấp, chiếm dụng trái phép, vấn đề được dư luận quan tâm không chỉ là việc trách nhiệm sẽ thuộc về ai. Điều mà dư luận còn mong ngóng có được câu trả lời là liệu chúng ta có phải trả giá đắt cho việc hàng loạt hệ thống ao, hồ tại Hà Nội đang bị ‘bức tử’?
Trăn trở về hiện trạng trên, PGS.TS Trương Mạnh Tiến – Ủy viên đoàn Chủ tịch Liên Hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam – nhận định, ao, hồ là một phần không thể thiếu trong phát triển hạ tầng đô thị. Về chức năng, nhiệm vụ, ao, hồ đóng vai trò rất quan trọng trong điều hòa môi trường sống, góp phần tạo dựng nét đẹp cảnh quan, là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư, nhiều hồ nước còn có tác dụng giảm ngập úng cục bộ.
Ao, hồ, các thủy vực nói chung cùng với công viên cây xanh được xem là “lá phổi xanh” của thành phố. Nhưng với diện tích ao hồ còn lại của Hà Nội, gần như chúng không còn đáp ứng được vai trò là “lá phổi xanh” như mong muốn.
“Ô nhiễm không khí đang lên ở mức cao, tới mức báo động đỏ nhưng lại đang rất thiếu không gian xanh, mặt nước để điều hòa không khí, giảm mức ngột ngạt cho đời sống đô thị. Phải đến một nửa số hồ đã bị lấp hoàn toàn. Những hồ còn lại, diện tích ngày càng bị thu hẹp do bị lấn chiếm hoặc kè bờ. Đô thị hóa cũng như sự đổ bộ của bê tông đã lấy đi rất nhiều thứ của hồ nước, ở cả khía cạnh tự nhiên lẫn cảm xúc, văn hóa”, PGS.TS Trương Mạnh Tiến chia sẻ với báo chí.
Là một chuyên gia nghiên cứu về môi trường lâu năm, ông Đặng Huy Huỳnh – Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường – cũng không khỏi xót xa khi chứng kiến số lượng ao, hồ của Hà Nội cứ ngày càng hao hụt. Sự sụt giảm diện tích ao, hồ không chỉ khiến cảnh quan văn hoá của Hà Nội vắng bóng những nét đẹp tự nhiên mà còn để lại những hậu quả khôn lường cho môi trường sống đô thị vốn đang ngày càng khắc nghiệt dưới tác động của hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu.
“Cái giá mà chúng ta phải trả chắc chắn sẽ rất đắt. Nhờ có hệ thống ao, hồ mà bao năm qua, chúng ta đã hạn chế được rất nhiều hiệu ứng tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Từ việc giảm bụi, giảm ô nhiễm, tăng cường không khí mát, sạch, hệ thống ao, hồ đã giúp chúng ta có phương án đối phó cả với những trận mưa lũ lớn, góp phần điều tiết thuỷ lợi của cả một thành phố lớn. Nếu như ao, hồ cứ lần lượt biến mất, chúng ta sẽ sống thế nào khi biến đổi khí hậu ngày một tăng?”, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường trăn trở.
Cũng theo ông Đặng Huy Huỳnh, trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ sự nguyên vẹn của các ao, hồ tại Hà Nội thuộc về cả cộng đồng chứ không phải chỉ riêng các cơ quan chức năng. Chỉ khi nào nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ các hệ thống ao, hồ trở nên sâu sắc, khi đó, may chăng, các hành vi san lấp, lấn chiếm, sử dụng trái phép diện tích ao, hồ mới giảm xuống.
Còn theo PGS.TS Đào Trọng Tứ – Trưởng Ban Điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam, người luôn đau đáu với vấn đề ô nhiễm môi trường của các sông, hồ trong nội đô cho rằng, hồ tự nhiên hiện còn rất quý bởi diện tích mặt nước ngày một thu hẹp do lấn chiếm, đô thị hóa trong nhiều năm qua. Do vậy, không nên lấy lý do này, lý do khác để lý giải, làm sai lệch đi chức năng của hồ tự nhiên.
“Việc lấp hồ tự nhiên là một cách đánh đổi có hại cho môi trường cảnh quan, chứ không phải là báo động nữa. Bởi hồ tự nhiên đã lấp thì sẽ mất luôn, không bao giờ có thể khôi phục được…”, ông Tứ nhấn mạnh.
Có thể thấy, những câu chuyện của hồ Tây, hồ Xuân Quế, hồ Sơn Thủy hay gần đây nhất là hồ Đống Đa đã phản ánh phần nào đó tình trạng các ao, hồ tại Hà Nội đang bị “bức tử” bởi các hoạt động của con người. Trong tương lai, không ai dám chắc rằng, không có thêm những ao, hồ khác trên địa bàn thành phố tiếp tục bị xâm lấn, thậm chí xoá sổ. Câu hỏi đặt ra là, liệu chúng ta phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này, hay vẫn sẽ “bất lực” nhìn số lượng ao, hồ bị biến dạng, bị xoá sổ ngày một tăng lên?
Đã đến lúc, chính quyền các cấp cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn để chấm dứt tình trạng san lấp, lấn chiếm, sử dụng trái phép diện tích các ao, hồ tại Hà Nội. Cộng đồng, xã hội cũng cần thường xuyên lên án những hành động sai trái để bảo vệ những giá trị văn hoá, tự nhiên gắn với mảnh đất nghìn năm văn hiến này. Tất cả những nỗ lực đó cần phải được thực hiện thường xuyên, để trong tương lai, chúng ta không phải tiếp tục trả giá đắt cho những gì đã, đang và nguy cơ sẽ xảy ra với hệ thống ao, hồ của Hà Nội.
Nguồn: congthuong.vn